Các câu hỏi phỏng vấn nên chuẩn bị khi ứng tuyển vào công ty Nhật

Thứ sáu, 14/05/2021 09:51 (GMT+7)

Trước khi tham dự bất kì cuộc phỏng vấn nào bạn cũng nên tìm hiểu trước về tiêu chí tuyển dụng, điểm ứng viên được đánh giá cao, điều tối kị… của công ty mình ứng tuyển. Với công ty Nhật, do sự khác nhau trong văn hóa nên bạn càng cần để ý hơn trong cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn.

Dưới đây là một số câu hỏi và gợi ý câu trả lời mà bạn rất dễ gặp khi tham dự phỏng vấn của công ty Nhật, dù là tìm việc nhân sự, kế toán hay phiên dịch.

Tại sao bạn lại ứng tuyển vào công ty chúng tôi?

Cũng như bất kì một cuộc phỏng vấn nào, khi đối diện với nhà tuyển dụng Nhật, bạn cũng sẽ gặp câu hỏi lí do ứng tuyển vào công ty.

Để ghi điểm với nhà tuyển dụng, bạn nên trả lời theo hướng nhấn mạnh đến sức sáng tạo, năng lực sản xuất của công ty, giá trị mà thương hiệu cống hiến cho cộng đồng, cho người lao động hoặc thể hiện được chính bạn có đầy đủ năng lực đảm nhận công việc. Ví dụ như:“Tôi biết công ty chúng ta chuyên sản xuất/ hoạt động trong lĩnh vực X. Công ty có một dự án Y sắp triển khai nên cần nhân sự có đầy đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng để đảm trách. Tôi là một chuyên viên lĩnh vực X và đã có kinh nghiệm dày dặn làm việc cho công ty Nhật trước đây. Tôi tự tin mình hoàn toàn phù hợp với vị trí này”.

Lưu ý bạn không nên đề cập đến các lí do như mức lương cao, chế độ phúc lợi tốt, khả năng dễ trúng tuyển hay có người quen biết… Đây chính là các lí do gây mất điểm nghiêm trọng.

Bạn hiểu như thế nào về văn hóa làm việc của người Nhật?

Khi làm việc tại công ty Nhật, nhân viên sẽ phải tuân theo một số đặc thù riêng về văn hóa làm việc cũng như cách ứng xử. Bạn đừng quên tìm hiểu vấn đề này thật kỹ trước khi ứng tuyển.

Để trả lời câu hỏi phỏng vấn về văn hóa làm việc bạn nên đề cập đến một số nguyên tắc, kỉ luật về giờ giấc, trang phục khi đến công ty, cách chào hỏi nhau, trao đổi thông tin, tương tác với đồng nghiệp, cấp trên khách hàng… Chẳng hạn:
“Tôi hiểu rõ văn hóa làm việc của Nhật đó là nguyên tắc đúng giờ. Bạn không thể bỏ phí dù chỉ 1 phút hoặc bắt người khác phải đợi”. Hay “Tôi biết cường độ làm việc của công ty Nhật rất cao, tôi đã chuẩn bị đầy đủ về chuyên môn, sức khỏe và sẵn sàng nguồn năng lượng cho công việc.”

Điều quan trọng là bạn hãy áp dụng nó vào chính bản thân mình cho cuộc phỏng vấn bằng cách đến trước giờ phỏng vấn 5-10 phút, ăn mặc đúng với tính chất công việc ứng tuyển, chào hỏi lễ tân, phỏng vấn viên, cách giao tiếp, trả lời câu hỏi… phù hợp với nguyên tắc của người Nhật.

Bạn đã từng làm việc ở đâu? Tại sao lại nghỉ?

Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn thăm dò quá trình làm việc trước đây của bạn và lý do nghỉ việc. Qua đó để xem xét bạn có đủ kiến thức, kinh nghiệm và sự trải nghiệm để đảm đương công việc sắp tới hay không.

Để trả lời câu hỏi này, tốt nhất bạn nên thành thật về công việc trước đây. Bạn đã làm gì? Đảm nhận vị trí, công việc cụ thể nào. Về lí do nghỉ việc, bạn nên trả lời theo xu hướng các lí do như muốn phát huy hết thế mạnh tiềm năng của bản thân, muốn tìm kiếm cơ hội phát triển mới…

Ví dụ, Trước đây tôi đảm nhận vị trí X tại công ty Y. Sếp và đồng nghiệp ở đó rất tốt nhưng tôi nhận thấy mình nên tìm kiếm một môi trường phù hợp hơn để thử thách bản thân, đưa bản thân lên một tầm cao mới hơn nên tôi nghỉ việc để nắm bắt cơ hội này.

Lưu ý là không nên nói những lí do tiêu cực về nơi làm cũ.

Bạn có kính trọng/ ngưỡng mộ một người nào đó không?

Trong văn hóa người Nhật, họ có xu hướng coi trọng người lớn hơn, giỏi hơn. Đặc biệt trong công việc họ dành sự đề cao cho người lớn tuổi hơn vì những đóng góp cho ngành, vốn sống, trải nghiệm. Nhà tuyển dụng muốn biết bạn có phải là “người trong ngành” hay không bằng cách kiểm tra sự hiểu biết của bạn. Họ muốn chắc rằng bạn có biết đến những bậc thầy trong ngành hay không?

Nếu bạn thật sự quan tâm và là người chuyên nghiệp, bạn sẽ có câu trả lời chẳng hạn như: Tôi rất ngưỡng một ông/ anh X – một chuyên gia về lĩnh vực Y của ngành. Những đóng góp và cống hiến của ông ấy quả là giá trị góp phần phát triển cho lĩnh vực Y này”.

Sự kính trọng và nể phục một người lớn hơn, giỏi hơn cũng chứng tỏ thái độ khiêm nhường và học hỏi chân thành của một người. Người Nhật rất đề cao tính cách này ở ứng viên.

Tóm lại, dù bạn ứng tuyển công việc lao động phổ thông, lao động có chuyên môn hay nhân sự chất lượng cao… đều cần phải trải qua cuộc phỏng vấn tốt nhất. Một số câu hỏi phỏng vấn trên sẽ giúp bạn hiểu thêm và có câu trả lời thuyết phục nhà tuyển dụng. Hãy đến tham dự phỏng vấn với tâm thế của một người có đủ năng lực chuyên môn, kỹ năng song song với sự hiểu biết về văn hóa làm việc của công ty ứng tuyển.

ĐẶNG HẢO

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: