Biến hóa tranh ảnh thành mô hình thực tế

Thứ ba, 05/03/2019 17:36 (GMT+7)

Những trang sách sẽ trở nên sống động, thực tế hơn khi đi qua lăng kính của ứng dụng EduAR. Công nghệ mới này sẽ giúp bạn học sinh dễ dàng cảm nhận, tiếp thu và ghi nhớ bài học.

Hỗ trợ cho giáo dục và du lịch

EduAR là một ứng dụng di động trên điện thoại, máy tính bảng, giúp đem lại các nội dung sống động, chân thật và vô cùng mới lạ cho người dùng, đặc biệt là học sinh. Ứng dụng được thực hiện thông qua Công nghệ Thực tế tăng cường. Khi người sử dụng dùng thiết bị di động của mình quét qua hình ảnh bất kì trong sách, EduAR sẽ trả về mô hình 3 chiều kỹ thuật số vô cùng chân thật. Người dùng có thể di chuyển xung quanh hoặc đến gần mô hình để quan sát các chi tiết như thể nó tồn tại thật sự.

Ảnh: Mô hình kỹ thuật số hoạt họa 3 chiều

Ứng dụng EduAR là sản phẩm của bạn Anh Khoa (cựu sinh viên ĐH FPT) thực hiện trong vòng 3 tháng. Khoa cho biết: “So với việc đọc sách in, EduAR sẽ mang lại những hình ảnh sống động hơn thông qua việc tạo ra các hình ảnh 3D, các đoạn video miêu tả cụ thể về bài học. Các bạn hãy thử nghĩ đến mô hình cơ người trong y học, phản ứng ion, hình học không gian,… có thể xuất hiện như một thực thể trên thiết bị di động của chúng ta. Chắc chắn việc tiếp thu kiến thức sẽ trở nên thú vị và hấp dẫn hơn”.

Ngoài việc ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục, EduAR còn có thể sử dụng vào du lịch. Thông thường du khách đến tham quan các vật thể, di tích lịch sử thường sẽ chạm, tác động dẫn đến việc chúng bị hư hỏng. Thay vào đó, các địa điểm du lịch có thể trưng bày các hình ảnh kết hợp với việc sử dụng EduAR. Nhờ Công nghệ Thực tế tăng cường, du khách sẽ nhìn rõ các chi tiết của hiện vật trong không gian như một thực thể thật sự, thoải mái tương tác với chúng. Từ đó giúp các địa điểm du lịch có thể bảo quản được di tích gốc.

Ảnh: Hiển thị mô hình 3 chiều của Cổ vật trên ảnh

Kỹ thuật mới – Khó khăn mới

Khoa chia sẻ ý tưởng thực hiện EduAR xuất hiện trong bạn trước cuộc thi Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh Bình Dương (10/2018) không lâu. Một phần là do Khoa rất hứng thú với Công nghệ Thực tế tăng cường. Một phần là vì những công dụng, lợi ích mà nó mang lại cho cuộc sống. Khoa tâm sự: “Mình cảm thấy Giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng trong đời sống. Nhưng để phát triển nó một cách toàn diện thì cần phải có nhiều sáng kiến mới. Việc khiến cho SGK trở nên sinh động, trực quan, gây hứng thú cho người học cũng là một điều đáng để tâm đến. Vì vậy mình muốn thử dùng công nghệ để thực hiện những điều đó. Công nghệ Thực tế tăng cường sẽ mang đến cho SGK các nội dung 3D, video mang tính thức tế hơn, thay cho những hình ảnh tĩnh thông thường”.

Ảnh: Ảnh trên SGK được hiển thị thành video qua ứng dụng EduAR

Khi thực hiện sản phẩm, chắc chắn người sáng tạo sẽ phải trải qua những tình huống khó khăn. Anh Khoa cũng không ngoại lệ, việc áp dụng công nghệ sao cho phù hợp để giải quyết những vấn đề được đặt ra ban đầu không phải là dễ dàng. Khoa cho biết thêm: “Để hoàn thiện được ý tưởng của bản thân, mình phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu, đặc biệt là những bài báo trên các tạp chí công nghệ. Vì áp dụng kĩ thuật mới nên đôi lúc mình gặp phải trục trặc. Cũng may mình từng có cơ hội nghiên cứu, thực hiện công nghệ mới này nên có chút ít kinh nghiệm. Nhờ vậy mà mình thực hiện được sản phẩm như mong muốn”.

Ảnh: Anh Khoa (trái) tại cuộc thi Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh Bình Dương

Bật mí thêm là ứng dụng EduAR của Khhoa đã giành giải Khuyến khích cuộc thi Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh Bình Dương được tổ chức tháng 10 vừa qua.

THU THẢO

Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: