Bảo ơi, cứu mẹ!

Thứ tư, 04/04/2018 17:32 (GMT+7)

Phút trải lòng của một bạn trai - được giấu kín suốt 18 năm nếm trải yêu thương và căm hận…

Cả sân trường xúc động rơi nước mắt. Chuyện ghi được trong lễ tri ân và trưởng thành ở trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. HCM) hôm 25/3.

Gửi mẹ,

Mới ngày nào còn là cậu bé, vậy mà giờ con đã học lớp mười hai, viết lá thư này gửi mẹ bằng tình cảm trong suốt mười tám năm qua mà con chưa một lần dám tỏ bày…

... Đó là buổi chiều ở một trường mầm non nhỏ bé trong thành phố rộng lớn ấy. Ngồi ở trường một mình, thấy bạn bè được cha mẹ đón mà lòng con lo lắng. Đến khi học sinh cuối cùng ra về thì con vẫn ở đây, đôi mắt dán chặt vào cổng trường chờ đợi. Nhưng vô vọng, ngày ấy cô giáo đưa con về vì phụ huynh không đến. Con vẫn nhớ như in tô mì nước cô cho ăn. Vì không ăn được thịt nên đó chỉ là 1 tô mì với nước lèo trong vàng vàng. Sợi mì vàng quý giá, lấp lánh trong lớp váng dầu tô nước dùng đã được giữ lại rất lâu trong kí ức con. Về đến nhà, mở cửa ra, bóng dáng bà nội vội vàng chạy đến trước mặt con. Đó là lúc bà nói lên những lời không một đứa trẻ, nhất là trẻ mầm non ba tuổi đầu muốn nghe. “Bảo! Vô nhà mau con! Ba mẹ đang đánh nhau!”

Và trên đôi chân gầy gò của cậu nhóc suy dinh dưỡng với chiếc cặp nặng trịch trên vai, con lao thật nhanh vào nhà. Nhưng chỉ là đống đồ đạc bị xới tung, chỉ là đống đổ nát sau một cuộc cãi vã...Và kí ức ấy dừng lại ở đấy, một cách hụt hẫng, một cảm giác như đứng trên bờ vực sâu thẳm và chỉ muốn nghiêng mình rơi vào khoảng không vô định. Tuy kí ức ấy không tốt đẹp gì nhưng lại là điều con mãi không thể quên, và cũng là điều duy nhất con luôn muốn quên đi nhưng không quên được. Rồi đến lúc mẹ con mình phải cay đắng dọn ra khỏi ngôi nhà từng là tổ ấm.

Sau khi cánh cửa đó khép lại thì một cánh cửa khác mở ra, một ngôi nhà nhỏ ở Biên Hòa gần con kênh nhỏ. Bắt đầu cuộc sống một mình nuôi con không có người đàn ông trong nhà, con giờ đã hiểu những nỗi khổ của mẹ. Mẹ còn nhớ không, một trong những ngày đầu ta dọn nhà đến, mẹ lắp chiếc giường gỗ vô ý để kẹt bàn tay dưới tấm gỗ. Trong cơn đau đớn, mẹ gọi: “Bảo ơi! Cứu mẹ con ơi!”. Lời kêu ướt đẫm nước mắt của mẹ làm cậu bé bốn tuổi không khỏi sợ hãi, thương mẹ mà không đủ sức nâng tấm gỗ to lớn ấy. Con vơ vội chiếc bao nilon che đầu rồi chạy trong màn mưa, vừa chạy vừa khóc, vừa khóc vừa hét lớn “Chú ơi! Chú cứu mẹ con với!”. Tiếng hét trong cơn mưa đã đến tai những chú hàng xóm để giúp mẹ con thoát khỏi cơn đau.

Ôi sao thời ấy khổ thế mẹ, sáng mẹ chạy lên Sài Gòn làm việc, chiều về đón con. Mà lúc ấy đã có cầu vượt, có đường tắt, đâu đi quốc lộ 1K mà phải qua khu công nghiệp Sóng Thần và Suối Tiên, nơi từng là điểm đen tai nạn giao thông bao người bỏ mạng, khói bụi, ô nhiễm, nắng cháy, mưa dầm. Mẹ vẫn không nề hà điều gì, đều đặn đi lại như con thoi giữa 2 thành phố…

…Năm con lên lớp Ba, mẹ mua được một ngôi nhà để có nơi che mưa che nắng. Và từ đó mẹ có thêm can đảm cho phép mình yêu lần nữa. Những sự kiện như nối tiếp nhau, con đi học, mẹ đi làm, mẹ gặp gỡ mọi người rồi mẹ lại yêu. Và khi là đứa con trai tham dự chính đám cưới của mẹ nó, cảm xúc lẫn lộn làm lòng ngực con như nóng lên - vui mừng, lo lắng, hi vọng về một gia đình đúng nghĩa và tương lai tươi sáng.

Nhưng ai lường trước được tương lai, sau chiếc mặt nạ “quan tâm” “lo lắng” “chăm sóc” là một tên vũ phu. Con vẫn nhớ như mới chỉ ngày hôm qua, sau những phút giây mệt mỏi khi bước vào lớp Mười, con đắm mình vào cơn say ngủ. Trong phút giây ấy, một tiếng kêu khóc đã lâu con không nghe thấy làm con bật tỉnh. Đó là khi con có thể nghe rõ hơn tiếng của mẹ, cứ như trở lại là cậu nhóc ba bốn tuổi ngày nào, con lặng cả người, “Bảo ơi! Con cứu mẹ con ơi!”. Con bật dậy chạy qua phòng mẹ và thấy cảnh tượng ấy. Ông ta một lần nữa làm tổn thương mẹ. Thời gian như dừng lại, tim con đập nhanh hơn cả khi chạy nước rút, đầu óc con trống rỗng khoảng một giây. Lao đến bên mẹ, thấy từng vết bầm, dòng nước mắt, tiếng khóc của em, của mẹ làm con hiểu rõ điều gì đang diễn ra. Ngay lúc ấy, KHÔNG, con đã không còn là đứa nhóc không đủ sức cứu mẹ nó mà phải cầu cứu ai. Con chỉ thẳng mặt ông ta và nói “Ông đừng hòng đụng vào mẹ tôi”, đó lại là lời nói lịch sự nhất và khác xa, khác hẳn những gì con nghĩ trong đầu. Ông ta hỏi liệu con muốn chết không? Vâng, con đã muốn chết, muốn sống chết một lần với ông ta để kết thúc chuyện này. Sau câu nói “ừ, muốn chết”, ông ta liền xuống bếp tìm con dao, nhưng con đâu ngu ngốc mà đứng đơ ra đó. Con tranh thủ vào phòng khi mẹ không ở đó, lấy con dao bấm mà con biết thế nào cũng có ngày này để chuẩn bị. Lúc ấy con đã sẵn sàng, không còn tiếc nuối, vì con biết dù kết cục có ra sao thì ông ta cũng không bao giờ có thể đến gần mẹ nữa. Nhưng mẹ như đã lường trước, lần này là mẹ chạy ra ngoài cầu cứu, các chú hàng xóm vội chạy đến can ngăn. Như một con cáo già đội lốt nai tơ, hắn quăng con dao đi và tỏ vẻ đang muốn nói lí lẽ với con. Chú hàng xóm nói con không được tỏ thái độ như vậy với cha con, nhưng ông ta không phải cha con, ông ta là kẻ con đang muốn bắt trả giá cho hành vi bạo hành. Một căn phòng ba người, hai con dã thú, một kẻ can ngăn. Cả hai người chửi lộn nhau, đưa ánh mắt tìm cách tấn công lẫn phòng phủ. Cả con và ông ta đâu biết đối phương có thể làm gì. Mỗi lúc một đông những người hàng xóm khác đến, để giữ thể diện, ông ta lặng người xuống tỏ vẻ là phe yếu thế. Lúc ấy, mẹ đã biết tối nay không thể ngủ yên ở nhà, khi những người hàng xóm bỏ đi thì không lường được sẽ có chuyện gì tồi tệ hơn. Ông ta không cho mẹ dắt xe, cấm mẹ đi khỏi nhà, lúc ấy con lao thẳng chiếc xe vào xe ông ta đang dắt vào nhà, mở đường để mẹ chạy qua nhà dì Xuân. Và buổi tối hôm đó kết thúc bằng việc mẹ chở con và em đi xa khỏi ngôi nhà vốn là của mình.

Sáng hôm sau, mẹ vẫn đi họp phụ huynh lớp Mười cho con như đêm qua chẳng có gì xảy ra. Có lẽ đó là thái độ con giống mẹ nhất. Dù chuyện gì xảy ra sau lưng ta, trong quá khứ, thì vẫn bình tĩnh tiếp tục công việc.

Ngày ta về nhà, sự điên rồ vẫn chưa kết thúc, ta phát hiện rằng ông ta đã đốt lá thư yêu thương của bà ngoại để lại cho bốn đứa con bà, đốt những dòng cảm xúc của mẹ khi bà không còn...

Hắn lại mang trên mình chiếc áo nai tơ khi nói chuyện với con. Có lẽ đó là mười phút kìm nén nhất cuộc đời con, chưa bao giờ con muốn đấm, muốn giết ai nhiều đến vậy nhưng phải kìm nén. Vì mẹ và vì em. Cái cảm giác hối hận tại sao lúc ấy con không đấm hắn, đấm cho hắn ra bã, đấm cho mọi sự kìm nén được giải phóng. Không ngưng được đôi tay mình, con đưa những nắm đấm ấy vào bản thân, vào mặt, vào đầu, vào ngực bụng, hỏi rằng tại sao, tại sao con không làm gì đó để trả lại hắn nhưng gì hắn làm, dù chỉ một phần. Và giá như người mẹ lấy không phải ông ta, giá như con chưa từng được sinh ra để rồi mẹ phải chịu khổ như thế này. Những đau đớn thể xác giờ đây không còn là gì khi mà nỗi đau tinh thần mãi ê ẩm không thể lành. Con hối hận vì đã không giúp mẹ tìm và giữ được hạnh phúc – thứ mà lẽ ra mẹ xứng đáng được nhận.

Đây đâu phải lần đầu ông ta làm mẹ tổn thương, nhưng mẹ đâu nói ra, vì nếu không là phụ nữ thì đâu ai hiểu nỗi khổ của người phụ nữ trong gia đình không có người đàn ông. Có lúc bão táp, sóng gió cũng cần một người gồng gánh cho gia đình.

Nhưng rồi mẹ lại lỡ chuyến đò hạnh phúc thêm một lần nữa.

Nhờ đó giờ đây cuộc sống ta đã ổn định trở lại, con giờ đây đã học lớp Mười Hai chuẩn bị cho cuộc hành trình lớn nhất cuộc đời: định hướng tương lai và theo đuổi đam mê của con. Cảm ơn mẹ đã chăm sóc con, đã nuôi lớn con, đã tính hết mọi việc để con được tự do là chính mình mà không phải lo lắng về mẹ. Đó cũng là điều về mẹ mà con luôn quen thuộc. Không phải con không quan tâm mẹ nhiều mà là con tin tưởng mẹ, không bao giờ mẹ làm gì mà không suy nghĩ. Từ nay con sẽ đi con đường con chọn, sẽ bước ra thế giới và ngày một xa mẹ hơn. Nhưng dù ở nơi đâu, là ai thì con vẫn là con mẹ. Cảm ơn mẹ đã là mẹ của con. Và cảm ơn cuộc đời đã cho con được làm con của mẹ.

TĂNG THIÊN QUỐC BẢO

Quốc Bảo và mẹ

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: