Bạn biết gì về... nước bọt?

Thứ sáu, 20/07/2018 15:50 (GMT+7)

Với teen, nước bọt gần như “vô hình”, trừ lúc chảy nước miếng khi nhìn thấy đồ chua… Nếu nhìn dưới góc độ y khoa, teen sẽ ngỡ ngàng vì nước bọt cũng có nhiều điều… thú vị.

Lí lịch trích ngang

Nước bọt được tiết ra chủ yếu từ hai tuyến nước bọt nằm ở hai bên má và dưới lưỡi. Chức năng chủ lực của nước bọt là làm ẩm, sơ chế thức ăn (men tiêu hóa), kháng khuẩn mức độ nhẹ... Vai trò tuyến đầu này giúp giải thích nhiều tình huống có sự tham gia của nước bọt.

Thèm chảy nước miếng

Cùng với 32 chiếc răng, nước bọt góp công làm mềm nhão và sơ chế thức ăn trước khi đưa xuống dạ dày. Khâu đề-pa này góp phần làm nhẹ gánh cho bao tử. Những teen có vấn đề dạ dày nên dành sự cảm kích cho nước bọt. Đây cũng là cơ sở giải thích hiện tượng “thèm chảy nước miếng”, nhất là với các món chua như xoài xanh, me dốt…

Nuốt nước bọt liên hồi là bịa chuyện

Điều khiển hoạt động tuyến nước bọt là hệ thần kinh thực vật, mà hệ điều hành này lại kiêm nhiệm nhiều chức năng cảm xúc, tâm lí khác. Khi chúng ta sợ hãi, căng thẳng, ta thường cảm thấy khô khốc, đắng nghét trong miệng. Cũng lắm teen khi bối rối, e thẹn hay nói dối là lại liên tục nuốt nước bọt. Những người sành tâm lí có thể căn cứ vào đây để biết đối phương đang bịa chuyện, bốc phét hay không.

Hôi miệng vì kém nước bọt

Hôi miệng làm khổ nhiều teen, ảnh hưởng đến giao tiếp, tâm lí. Ngoài vệ sinh răng miệng, viêm nhiễm, thì khô miệng do thiếu nước bọt là thủ phạm mà nhiều teen hay bỏ qua. Thiếu nước bọt có thể do tật bẩm sinh, nhiễm trùng, sỏi tuyến nước bọt, thiếu máu, thuốc men, nhưng với teen nguyên nhân thường do lười uống nước, ngủ ngáy, ngủ há miệng, ở phòng máy lạnh và… nói nhiều. Nước bọt giảm tiết lúc ta ngủ, thêm ngủ há miệng nữa khiến nước bọt nhanh bốc hơi, đó là lí do vì sao sáng dậy, miệng ta thường khá khó ngửi.

Tuyến nước bọt và bệnh… vô sinh

Tuyến nước bọt có thể vô tình dính đến vấn đề vô sinh, hiếm muộn ngay từ thuở thiếu thời của teen qua trung gian: bệnh quai bị. Virus quai bị nốc-ao tuyến nước bọt trước (viêm sưng tù vù hai bên má), sau đó thì khỏi, nhưng nhiều trường hợp siêu vi trùng nổi hứng “phượt” rất xa xuống tận tinh hoàn và buồng trứng gây biến. Biến chứng quai bị có thể làm hỏng một hay hai bên tinh hoàn, buồng trứng, gây vô sinh, thường là tới tuổi lập gia đình mới biết. Nếu không được chủng ngừa thì quai bị, virus hoàn toàn có thể viếng thăm teen. Nếu lỡ mắc bệnh, cần hết sức tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để tránh hậu quả “bé xé ra to”.

Nước bọt có mùi khó hiểu

Nước bọt bẩm sinh không mùi, nhưng vì luôn bị pha tạp bởi mùi thức ăn thừa, bệnh răng miệng, tiêu hóa, bệnh toàn thân, nên đa phần có mùi không dễ ngửi. Đôi lúc mùi nước bọt biến thể kì lạ như mùi trái cây (aceton), mùi kim loại (sắt), mùi tanh cá, mùi trứng thối... Đây có thể là chỉ điểm của một số bệnh nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, suy thận, thậm chí ung thư... Nếu phát hiện miệng có mùi lạ kéo dài, teen nên cẩn thận, có thể đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra cho rõ thực hư.

Phun hay không phun?

Có một hiển nhiên là nước bọt sau khi ra lò, một số bị bốc hơi, một số được dùng để tiêu hóa, còn lại sẽ trôi xuống hết dạ dày. Hiểu điều này sẽ giúp nhiều người, kể cả teen, giải quyết vấn đề nhỏ mà không nhỏ là... phun nước bọt. Ai cũng biết, phun nước bọt không chỉ kém lịch sự mà còn gây ô nhiễm môi trường. Nhiều teen hẳn từng có nhiều “kỉ niệm” đắng cay bị nguyên bãi “phun sương” vào mặt khi đi đường… Trừ bệnh tật, như đã nói, nếu muốn, ta hoàn toàn có thể nuốt nước bọt mà không gặp vấn đề sức khỏe gì. Nhưng nếu phải phun cái gì đó thì nên giữ phép, cho vào khăn giấy, khăn tay rồi bỏ vào sọt rác.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Tránh khô miệng

- Nhai kẹo cao su là giải pháp tình thế khá hiệu quả, tuy nhiên, cũng nên lưu ý là việc nhóp nhép kẹo cao su thường xuyên khiến bạn trông kém duyên.

- Hạn chế chất kích thích như cà phê, trà đậm, sô cô la, bia rượu, thuốc lá. Không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn.

- Nước vừa cung cấp nguyên liệu vừa làm thông thoáng tránh nghẽn tắc cho tuyến nước bọt. Nước đá là ngoại lệ nhỏ, nếu lạm dụng lại có thể gây khô miệng.

- Phân bổ tốt “đầu vào” không khí. San sẻ bớt cho mũi, đừng toàn hít thở qua miệng. Nếu có bệnh gây nghẽn mũi cần làm thông sớm. Chữa ngủ ngáy. Dùng mẹo kê gối để tránh ngủ há miệng.

- Thêm độ ẩm không khí trong phòng, nhất là vào ban đêm, đơn giản thì có thể đặt thau nước, còn “sang chảnh” hơn thì dùng máy phun sương, tạo ẩm.

- Tránh một số thuốc có tác dụng phụ làm khô miệng như: an thần, đau nửa đầu, chống nôn, kháng sinh, lợi tiểu...

- Có thể dùng nước bọt nhân tạo, nhưng khó tìm và hơi tốn tiền cho teen.

BẠN CÓ NHỮNG THẮC MẮC KHÔNG BIẾT HỎI AI?

Bạn có những thắc mắc liên quan đến vấn đề cơ thể, sinh lí… hãy mạnh dạn gửi câu hỏi của mình về địa chỉ: phongmachmuctim@gmail.com. Những thắc mắc của bạn sẽ được Mực Tím gửi đến các chuyên gia.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: