8 kỹ năng thiết yếu sinh viên mới ra trường cần có

Thứ năm, 14/03/2019 09:38 (GMT+7)

Kiến thức chuyên ngành từ các trường đại học là cần thiết, tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kỹ năng mềm mới là yếu tố quan trọng quyết định 75% sự thành đạt của con người.

Các nhà tuyển dụng ngày nay rất chú trọng kĩ năng mềm của ứng viên. Vì vậy, để được đánh giá cao và có thể dễ dàng xin được việc như mong muốn sau khi tốt nghiệp, ngay từ bây giờ bạn hãy chuẩn bị cho mình 8 kỹ năng “vàng” dưới đây nhé.

Tìm việc làm nhanh và hiệu quả với Careerlink.vn

Kỹ năng giao tiếp

Tự tin giao tiếp là yếu tố cần thiết để phỏng vấn xin việc, thiết lập các mối quan hệ cũng như phục vụ công việc hiệu quả. Một người có khả năng ăn nói lưu loát, có thể trình bày vấn đề rõ ràng và dễ hiểu sẽ dễ thích nghi với môi trường mới, tăng khả năng thuyết phục người đối diện. Do vậy, khi còn là sinh viên, bạn nên tham gia những buổi nói chuyện, tự tin đặt câu hỏi để trau dồi khả năng giao tiếp, nói chuyện trước đám đông.

Kỹ năng làm việc linh hoạt

Nhà tuyển dụng không đặt quá nhiều kì vọng về khả năng làm việc của các bạn sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, để được đánh giá cao, bạn cần trang bị cho mình khả năng làm việc độc lập và khả năng làm việc nhóm thật tốt để tăng hiệu quả và năng suất công việc. Mỗi vị trí các bạn ứng tuyển là độc lập, nhưng quá trình thực hiện công việc thì đều có sự liên quan đến các đội nhóm khác nhau. Vậy nên, ngay từ trường đại học, các bạn cần chủ động tích lũy cho mình kinh nghiệm làm việc độc lập thông qua việc tự học, tự ôn dưới sự giúp đỡ của giảng viên; đồng thời rèn luyện khả năng làm việc nhóm thông qua các bài tập nhóm hoặc tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa.

Kỹ năng quản lý thời gian

Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, bằng cách quản lý tốt thời gian, bạn có thể sử dụng vốn “vàng bạc” này của mình một cách hiệu quả, làm được nhiều việc hơn với chất lượng vượt trội. Bạn có thể rèn luyện kỹ năng này ngay bây giờ bằng cách sắp xếp một thời khóa biểu hợp lý cho việc học, các hoạt động ngoại khóa, làm thêm... Theo thời gian, bạn sẽ vận dụng kỹ năng này một cách khoa học vào mọi việc một cách trơn tru và hiệu quả.

Xử lý tình huống

Nếu như trên giảng đường, bạn chỉ thường xuyên làm việc cùng thầy cô, bạn bè thì khi đi làm, bạn sẽ phải gặp gỡ và làm việc với rất nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Do vậy, bạn cần chuẩn bị tinh thần để có thể ứng phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào có thể xảy ra. Đó có thể là hiểu lầm, xung đột với đồng nghiệp, những cuộc thảo luận căng thẳng hay thông tin bất lợi về công việc bất ngờ xảy đến… Cho dù là tình huống tệ đến cỡ nào, bạn cũng cần bình tĩnh và tìm cách xử trí tốt nhất, tránh để cảm xúc lấn át khiến sự việc tồi tệ hơn.

Khả năng học hỏi

Giảng đường đại học chỉ cung cấp cho bạn kiến thức chuyên môn mà ít nhấn mạnh đến việc thực hành. Do vậy, bạn cần chủ động học hỏi những người xung quanh. Việc bổ sung kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc sẽ là “vũ khí” khi bạn ra trường và đi làm. Hãy cập nhật thông tin thường xuyên để bắt kịp những xu hướng xã hội luôn thay đổi liên tục và am hiểu hơn về công việc bạn sẽ làm.

Khả năng thích nghi

Nếu bạn có khả năng thích nghi nhanh chóng với những tình huống mới, thử thách mới thì cho dù làm việc ở môi trường nào cũng sẽ dễ dàng bắt nhịp cùng tập thể. Sự linh hoạt trong mọi hoàn cảnh không chỉ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn mà còn có thể xây dựng những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và cấp trên.

Trách nhiệm, kỷ luật

Điều này được thể hiện ngay từ những việc nhỏ: Đi làm đúng giờ, luôn đáp ứng deadline, chịu trách nhiệm về những việc đã làm... Hãy nhớ rằng, cho dù bạn giỏi chuyên môn nhưng nếu thiếu trách nhiệm trong công việc thì cũng không được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá cao. Tôn trọng mọi người cũng là tôn trọng chính mình. Vì vậy, hãy tạo thói quen kỷ luật, có trách nhiệm với mọi việc mình làm.

Kỹ năng lắng nghe

Đừng đánh giá thấp kỹ năng lắng nghe, đặc biệt khi bạn là “lính mới”. Lắng nghe là cách giúp bạn dễ dàng chiếm được thiện cảm của người khác, tạo dựng mối quan hệ bền chặt và vui vẻ. Bạn nên học cách lắng nghe chủ động, nhìn vào mắt người đối diện và thể hiện cho họ thấy sự quan tâm của bạn với vấn đề họ đang nói. Lắng nghe đồng nghiệp, cấp trên sẽ giúp bạn hiểu họ hơn và học được nhiều điều hay, có ích cho công việc của bạn.

Huyền Nguyễn

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: