7 kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc cho sinh viên mới ra trường

Thứ ba, 25/05/2021 16:56 (GMT+7)

Sinh viên mới ra trường thường có vốn kinh nghiệm ít ỏi trong giao tiếp phỏng vấn. Vì thế các bạn hay bỡ ngỡ, mất tự tin khi đối diện với nhà tuyển dụng. Để tránh gặp phải tình trạng này, bạn cần chuẩn bị thật kỹ càng cho buổi phỏng vấn.

Các kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc cho sinh viên mới ra trường từ các chuyên gia tuyển dụng CareerLink sau đây chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn.
Lời chào cao hơn mâm cỗ
Chào hỏi là một trong những phép lịch sự tối thiểu giữa người với người. Khi tham gia phỏng vấn việc làm, bạn lại càng không nên quên chào hỏi trước và sau khi phỏng vấn. Hãy tận dụng hình thức giao tiếp này để tạo thiện cảm ban đầu với nhà tuyển dụng.

Bạn nên gật đầu nhẹ như một cử chỉ chào hỏi với bất cứ ai bạn gặp khi bước vào công ty. Nếu người phỏng vấn không bắt chuyện trước, bạn hãy chủ động khơi mào cuộc hội thoại với họ. Mỉm cười và giao tiếp bằng mắt với người đối diện. Khi được hỏi, hãy trả lời lại nhiệt tình, tự nhiên, nhưng đừng quá suồng sã.
Vận dụng tốt ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể đôi khi là dấu hiệu bộc lộ rõ nhất trạng thái tâm lý và tính cách của một người. Do đó, trong quá trình phỏng vấn, nhiều nhà tuyển dụng thường quan sát ngôn ngữ cơ thể để âm thầm đánh giá ứng viên. Đây là lý do bạn cần đặc biệt chú ý vận dụng tốt ngôn ngữ cơ thể của mình.
Để thực hành tốt kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc này, bạn cần tránh liên tục nhìn đồng hồ, xoắn gấu áo hay bẻ khớp ngón tay… Những hành động này “tố cáo” bạn đang hồi hộp và lo lắng tột độ. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng né tránh ánh mắt của người đối diện trong quá trình trả lời, nhìn láo liên, nhìn lên trần nhà hoặc nhìn xuống đất. Đây là những biểu hiện cho thấy bạn thiếu tự tin, tệ hơn là thiếu trung thực.
Trả lời ngắn gọn, đầy đủ và đi vào trọng tâm
Lối trả lời ngắn gọn, đầy đủ, đi đúng vào trọng tâm, pha chút hài hước, khéo léo, thông minh chắc chắn sẽ khiến nhà tuyển dụng “đổ gục” vì bạn. Để làm được như vậy, bạn hãy nhớ xác định từ khóa của câu hỏi để nắm bắt trọng tâm vấn đề, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan trực tiếp đến câu hỏi. Khi đưa ra những nhận xét, đánh giá luôn nhớ đi kèm với ví dụ cụ thể. Tuyệt đối không trả lời cụt lủn hoặc chỉ đáp lời vỏn vẹn: “Có/ Không”.
Tư duy nhanh và quyết đoán
Một ứng viên có tư duy giải quyết vấn đề nhanh gọn và quyết đoán bao giờ cũng “ma thu hút nhà tuyển dụng. Đây là tố chất rất cần thiết để giải quyết các tình huống thực tiễn phát sinh trong quá trình làm việc. Chính vì thế, sinh viên mới ra trường khi phỏng vấn xin việc cần thể hiện sự kiên định, nhanh nhạy và tinh tế trong cách giải quyết tình huống người phỏng vấn đặt ra.

Khi đối diện với tình huống người phỏng vấn đặt ra, bạn nên đi theo trình tự như sau:
- Xác định trọng tâm vấn đề;
- Vạch ra phương hướng giải quyết;
- Lựa chọn giải pháp tối ưu nhất;
- Giải thích lý do, đối đáp thuyết phục.
Quá trình này cần diễn ra nhanh chóng, dứt khoát. Muốn vậy, bạn cần chuẩn bị trước tinh thần, kiến thức cũng như những câu hỏi tình huống phổ biến trước khi tham gia phỏng vấn để dễ bề ứng phó.
Trong tình huống không trả lời được những câu hỏi hóc búa, bạn cũng không nên vội trả lời một cách bế tắc: “Tôi không biết”. Thay vào đó, bạn nên đối đáp khéo léo hơn: “Vấn đề này tuy khó nhưng thật thú vị, cảm ơn anh/chị đã đặt ra, tôi sẽ về tìm hiểu thêm”. Điều đó cho thấy bạn là người sẵn sàng học hỏi và phát triển.
Điều chỉnh giọng điệu và tốc độ nói
Trong quá trình ứng phó với nhà tuyển dụng, giọng điệu và tốc độ nói cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công của bạn. Ứng viên cần nói sao cho rõ ràng, trầm bổng, thể hiện phong thái từ tốn. Tốc độ nói không nên quá nhanh, cũng không nên quá chậm mà vừa phải, dễ nghe. Đôi lúc bạn có thể ngừng lại để khơi gợi sự tò mò ở người nghe hoặc để họ có thời gian “thấm” câu trả lời của bạn.
Bộc lộ cá tính nhưng không phô trương
Để tránh bị mờ nhạt giữa hàng trăm ứng viên, bạn cần bộc lộ cá tính của mình trong quá trình phỏng vấn bằng phong thái trả lời, tư duy nhạy bén hoặc sáng kiến đột phá… Tuy nhiên, cá tính không đồng nghĩa với phô trương, ngạo mạn. Hãy nhớ rằng một người tài giỏi và khiêm tốn bao giờ cũng dễ dàng đạt được thành công và ghi lại hình ảnh đẹp trong mắt nhà tuyển dụng.
Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Phỏng vấn không phải là buổi đàm thoại một chiều. Ứng viên hoàn toàn có thể đặt câu hỏi ngược lại nhà tuyển dụng để khai thác thêm thông tin cần thiết và tạo ấn tượng cho họ. Tuy nhiên, đa số lại lo ngại điều này, nhất là sinh viên mới ra trường. Để đặt ra câu hỏi ngược khéo léo và thông minh, bạn cần nằm lòng những bí kíp sau đây:
- Hãy ưu tiên những câu hỏi bộc lộ tinh thần học hỏi, cầu tiến, liên quan đến trách nhiệm công việc hoặc văn hóa công ty
- Nên hỏi những câu đơn giản, gần gũi, không đặt những vấn đề “đao to búa lớn” đại loại như: “Công ty hoạch định chiến lược phát triển trong 5 năm tới như thế nào?”, “Cơ cấu tổ chức của cả tập đoàn là gì?”
Tham gia phỏng vấn là cơ hội tốt để bạn nhận được công việc yêu thích. Với gợi ý về các kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc cho sinh viên mới ra trường trên đây, hi vọng bạn đã có được những tham khảo hữu ích để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Chúc bạn thuận lợi đạt được công việc mới.

Pha Lê theo Career Link
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: