7 điều “tối kỵ” trong lần đầu đi phỏng vấn xin việc

Thứ sáu, 18/06/2021 10:30 (GMT+7)

Lần đầu đi phỏng vấn xin việc là một trải nghiệm khó khăn và nhiều người dễ phạm phải những sai lầm cơ bản.

Một số sai lầm nhà tuyển dụng có thể thông cảm và bỏ qua. Một số lỗi khác lại không thể tha thứ, khiến bạn bị “tụt điểm không phanh” trong mắt nhà tuyển dụng. Đó là 7 điểu “tối kỵ” dưới đây.
Chuẩn bị qua loa, sơ sài
Chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn xin việc được xem là bắt buộc đối với bất kỳ ứng viên nào, dù là tham gia ứng tuyển nhân viên tiếng Trung hoặc các lĩnh vực khác. Nếu bạn là người lần đầu đi phỏng vấn, công đoạn chuẩn bị lại càng phải cẩn thận, chu đáo. Việc chuẩn bị cơ bản bao gồm:
- Chuẩn bị giấy tờ cần thiết liên quan đến buổi phỏng vấn (hồ sơ xin việc, CV xin việc bản in, giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chứng chỉ…).
- Tìm hiểu kỹ về công ty ứng tuyển (hệ thống doanh nghiệp, loại hình công ty, sản phẩm chủ đạo, chiến lược, phương hướng, đội ngũ lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp…).

- Tập trả lời các câu hỏi phỏng vấn phổ biến liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển.

- Lựa chọn trang phục phỏng vấn phù hợp.

Nếu không chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ dễ bị rơi vào tình trạng lúng túng và không biết nói gì. Chỉ qua vài câu hỏi kiểm tra cơ bản, nhà tuyển dụng sẽ nhận ra ngay mức độ chuẩn bị của bạn. Họ sẽ đánh giá bạn không phải là một ứng viên chuyên nghiệp và cảm thấy dường như bạn coi thường buổi phỏng vấn đó. Lúc này bạn chắc chắn đã bị loại khỏi danh sách ứng viên tiềm năng.

Đến muộn

Đến phỏng vấn đúng giờ là phép lịch sự và tôn trọng tối thiểu dành cho nhà tuyển dụng. Ứng viên hãy ghi nhớ nguyên tắc: Luôn luôn đến trước giờ phỏng vấn 10 - 15 phút. Điều này giúp bạn chủ động kiểm soát tình hình, có thêm quỹ thời gian dự phòng cho những sự cố ngoài ý muốn như kẹt xe, hỏng xe, gặp vấn đề về trang phục…

Nhiều ứng viên lần đầu phỏng vấn thường chủ quan đi muộn hoặc đến sát nút giờ phỏng vấn. Khi nhà tuyển dụng gọi vào thì không thấy tăm hơi đâu hoặc hổn hển chạy đến. Đây là điều cực kỳ “tối kỵ” khi đi phỏng vấn. Chỉ riêng điều này đã có thể khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp về bạn.

Diện trang phục không phù hợp

Ngoại hình là điểm đầu tiên đập vào mắt nhà tuyển dụng, cũng là điểm đầu tiên quyết định ứng viên có để lại ấn tượng tốt với họ hay không. Vì vậy, ứng viên cần mặc trang phục phù hợp đi kèm với vẻ ngoài gọn gàng, chuyên nghiệp.

Tùy vào tính chất của từng công việc mà bạn chuẩn bị trang phục sao cho phù hợp với buổi phỏng vấn. Chẳng hạn, nếu phỏng vấn làm công việc văn phòng, bạn nên lựa chọn những trang phục công sở kín đáo, trang nhã. Ngược lại, ứng viên phỏng vấn cho những công việc đòi hỏi tính sáng tạo cao như thiết kế thời trang thì không thể “đóng khung” mình trong bộ vest nhàm chán.

Việc chọn trang phục không phù hợp sẽ khiến ứng viên bị điểm trừ lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Trong trường hợp không biết mặc gì cho buổi phỏng vấn, tốt nhất bạn nên lựa chọn những trang phục “an toàn” như áo sơ mi, quần tây hay váy dài qua gối…

Biểu cảm lúng túng, thiếu tự tin

Ứng viên lần đầu đi phỏng vấn xin việc không thể tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, hãy cố gắng giữ bình tĩnh, duy trì nhịp thở và “giấu” tất cả những nỗi bồn chồn vào bên trong. Nhà tuyển dụng sẽ tinh ý nhận ra ngay những biểu hiện lo lắng của bạn như lúng túng sắp xếp đồ đạc, vụng về khi kéo ghế ngồi, hai tay run rẩy, chân đánh nhịp, mắt nhìn xuống đất, biểu cảm căng thẳng, trả lời ấp úng… Ngay lập tức họ sẽ cho rằng ứng viên trước mắt là một người thiếu tự tin, kém kỹ năng giao tiếp.

Không có câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Thông thường cuối buổi phỏng vấn nhà tuyển dụng sẽ nói với ứng viên: “Anh/Chị có câu hỏi nào đặt ra cho chúng tôi không?”. Nhiều người phỏng vấn lần đầu thường bỏ qua phần này và nhanh nhảu đáp: “Em không hỏi gì cả”. Đây là sai lầm cơ bản và phổ biến khiến nhiều người bị đánh rớt vào phút cuối. Bởi lẽ việc không có câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng thể hiện bạn chưa tìm hiểu kỹ về công ty và vị trí ứng tuyển, hoặc bạn không chú ý lắng nghe trong quá trình người phỏng vấn phổ biến về công việc trong buổi phỏng vấn.

Dù vậy bạn cũng không nên vì thế mà cố gắng “nặn” ra những câu hỏi vụn vặt, ngớ ngẩn, thiếu giá trị. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi cho nhà tuyển dụng ở nhà để có thể vận dụng lúc cần.

Đàm phán thái quá về lương bổng

Nhiều ứng viên trong lần đầu đi phỏng vấn xin việc chỉ chăm chăm đàm phán về chế độ lương bổng của công ty. Nếu bạn biểu hiện thái quá như vậy, người phỏng vấn sẽ cảm thấy khó chịu, họ cho rằng bạn chỉ quan tâm đến tiền chứ không chú ý đến những giá trị khác. Do vậy, hãy tập trung xuyên suốt buổi phỏng vấn và chỉ đề cập đến lương bổng khi nhà tuyển dụng nhắc đến.

Nếu họ không nói gì về chế độ đãi ngộ, bạn có thể đàm phán lúc khác, khi nhà tuyển dụng liên hệ mời bạn đến nhận việc chứ không nhất thiết phải xoáy vào buổi phỏng vấn. Hơn nữa, một khi nhà tuyển dụng không nhắc đến chế độ đãi ngộ trước mặt bạn, điều đó thể hiện bạn chưa lọt vào “tầm ngắm” của họ và bạn không có lý do gì để chủ động đề cập.

Quên chào hỏi, cám ơn

Một trong những điều “tối kỵ” nhất đối với người lần đầu phỏng vấn là quên chào hỏi và cảm ơn. Nhiều ứng viên có thể vì quá căng thẳng đến nỗi quên đi việc chào hỏi và cảm ơn. Điều này sẽ không thể hiện được sự tôn trọng với nhà tuyển dụng và dù là bạn không cố ý nhưng họ sẽ có những đánh giá tiêu cực về bạn.

Với 7 điều “tối kỵ” trong lần đầu đi phỏng vấn xin việc trên đây, mong rằng các bạn sẽ rút ra được các kinh nghiệm quý giá để tránh mắc phải những lỗi lầm đáng tiếc. Chúc các bạn đạt được thành công ngay từ lần đầu đi phỏng vấn xin việc.

PHA LÊ

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: