5 câu hỏi phỏng vấn xin việc sinh viên mới ra trường thường gặp

Thứ tư, 17/08/2022 08:36 (GMT+7)

Sinh viên mới ra trường vừa ít kinh nghiệm làm việc lẫn kinh nghiệm phỏng vấn nên áp lực trong mỗi buổi phỏng vấn là rất lớn. Điều này khiến những ứng viên này vấp phải nhiều sai lầm mà chính họ cũng không hay biết.

Thay vì quá lo lắng cho buổi phỏng vấn, bạn hãy dành thời gian chuẩn bị thật kỹ. Trong đó, có cả việc tập trả lời những câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp. Sự chuẩn bị này chắc chắn sẽ giúp bạn không mắc phải sai lầm nghiêm trọng.

Vậy những câu hỏi phỏng vấn sinh viên mới ra trường thường gặp là gì và làm sao để trả lời thuyết phục? Hãy tham khảo một số gợi ý sau từ trang tuyển dụng CareerLink nhé.

Bạn hãy giới thiệu về bản thân

Câu hỏi này khá quen thuộc nhưng sinh viên mới ra trường lại rất dễ sai lầm. Họ thường giới thiệu quá lan man, dài dòng nhưng không nêu bật được giá trị của bản thân.

Bạn cần hiểu, đây là cơ hội để nhà tuyển dụng thấy, bạn và họ có điểm chung không, có làm việc được với nhau không. Vì thế, sau khi giới thiệu thông tin cá nhân cơ bản, bạn cần khéo léo xen kẽ nội dung có liên quan đến công việc ứng tuyển.

Ví dụ bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên sales thì cần cho họ thấy, bạn đã từng bán một sản phẩm nào đó hoặc chí ít có niềm đam mê với việc bán hàng.

Ngoài ra, cách trả lời của bạn sẽ khác với ứng viên có kinh nghiệm. Thay vì tập trung vào kinh nghiệm, kỹ năng thì bạn hãy tập trung vào những lợi thế so sánh như: sức trẻ, khả năng thích nghi nhanh, nhiệt huyết… để làm nổi bật giá trị riêng.

Vì sao bạn chọn công việc/ công ty này?

Câu hỏi này dễ bắt gặp ở phần đầu của buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng muốn xem bạn có thực sự nghiêm túc, yêu thích công việc/công ty không, bạn đang cần một công việc tạm thời hay lâu dài?

Vậy nên đừng trả lời hời hợt như: vì em cần công việc này, vì em cần thu nhập để trang trải cuộc sống hay vì em thấy công ty tuyển dụng.

Với kiểu trả lời này, bạn rất dễ bị loại. Bởi dù có thông cảm tới đâu thì hiếm nhà tuyển dụng nào lựa chọn một nhân sự chỉ vì họ cần việc hay cần tiền, trừ khi đó là một số công việc bán thời gian, có tính thời vụ, không ổn định.

Với những việc cạnh tranh cao, phúc lợi tốt và làm việc lâu dài, bạn cần nghiêm túc với câu trả lời. Bạn có thể đưa ra lý do như: công ty có ưu điểm nổi bật so với công ty khác hay vì bạn đam mê lĩnh vực này và mong muốn được trải nghiệm, học tập…

Em đã từng làm công việc này chưa?

Đây là câu hỏi phỏng vấn xin việc mà nhà tuyển dụng đã biết trước câu trả lời. Bởi bạn với kinh nghiệm chưa có, kỹ năng còn non hoặc nhà tuyển dụng chỉ cần nhìn vào CV, câu trả lời sẽ là “chưa”. Nhưng nếu bạn trả lời như thế, rất có thể buổi phỏng vấn sẽ dừng tại đây.

Khi đặt câu hỏi này, nhà tuyển dụng hi vọng ứng viên sẽ nói về tố chất cho thấy sự phù hợp của bạn với công việc. Vì thế, bạn hãy tập trung vào những phẩm chất riêng biệt, sở thích, đam mê. Điều này giúp nhà tuyển dụng cân nhắc và trao cơ hội dẫu bạn chưa từng làm việc này.

Điểm yếu của bạn là gì?

Thay vì nói về điểm mạnh thì nhà tuyển dụng muốn bạn đánh giá đúng bản thân bằng câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì?”. Bạn không nên trả lời với nội dung như: Em không có điểm yếu nào hoặc theo kiểu ngây ngô như Em khá lười hay Em không chịu được áp lực...

Với câu hỏi này, bạn cần xác định mong muốn của nhà tuyển dụng. Rõ ràng họ muốn biết bạn có khả năng tự nhận thức, tự đánh giá đúng năng lực bản thân hay không. Khi đánh giá đúng, bạn sẽ biết điểm yếu đó tác động như thế nào tới vị trí ứng tuyển. Quan trọng hơn, sau khi đưa ra điểm yếu, bạn cần cho thấy quyết tâm, nỗ lực từng bước để khắc phục điểm yếu đó.

Nếu được tuyển dụng, bạn sẽ làm được gì?

Câu này còn được hỏi dưới dạng: “Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?”. Mục đích cuối cùng là để nhà tuyển dụng xác nhận giá trị mà bạn sẽ đóng góp cho công ty nếu trúng tuyển.

Bạn có thể tự hạ tập giá trị của mình với câu trả lời chung chung như: Tôi sẽ làm tốt công việc hay Tôi sẽ làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, đây cũng không phải thời điểm để khoe điểm mạnh. Bởi những thứ mà bạn mạnh chưa hẳn đã phù hợp với công việc. Do đó, hãy thận trọng bằng cách quay lại tìm hiểu những yêu cầu từ công việc, từ doanh nghiệp. Từ đó, lựa chọn những kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp. Với những phẩm chất đó, bạn sẽ tạo ra giá trị cụ thể cho doanh nghiệp, đáp ứng mong đợi của nhà tuyển dụng.

Trên đây là một số câu hỏi phỏng vấn xin việc phổ biến nhưng cũng dễ khiến ứng viên mới ra trường mắc sai lầm trong quá trình trả lời. Tuy nhiên nếu được chuẩn bị kỹ, bạn sẽ dễ dàng vượt qua buổi phỏng vấn. Vì thế hãy luyện tập và chuẩn bị thật tốt để có buổi phỏng vấn thành công nhé

NGUYỄN LÝ

(theo CareerLink)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: