Viết sao cho hay, viết gì cho chất?

avatar NAM KHA

Thứ năm, 29/06/2023 16:32 (GMT+7)

Trong buổi giao lưu Nhà báo viết sách nằm trong tuần lễ Sách của người làm báo diễn ra vừa qua, nhà báo Nguyễn Khắc Cường (Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) đã "bật mí" về quá trình sáng tác cuốn sách mới Kho báu trong thành phố với nhiều bí kíp viết lách hữu ích cho teen đó!

Viết sao cho hay, viết gì cho chất? - Ảnh 1.

Anh Khắc Cường đang chia sẻ với độc giả về quá trình sáng tác của mình trong buổi giao lưu Nhà báo viết sách

Chất liệu sáng tác đến từ cuộc sống

Nhiều teen thường hay nhầm tưởng ý tưởng, chi tiết trong văn chương phải là điều gì đó cao siêu, xa vời nên dễ bị bí ý khi ngồi vào bàn sáng tác.

Thực tế thì tất cả những điều đó đều có sẵn trong cuộc sống, bạn chỉ cần quan sát kĩ và cảm nhận một cách tinh tế để có thể chọn lọc ra những chi tiết đắt khiến truyện ngắn trở nên ý nghĩa hơn, cảm động hơn.

Chẳng hạn, khi đọc cuốn sách Kho báu trong thành phố của anh Khắc Cường, đảm bảo bạn sẽ ồ lên vui thích với những trò chơi búng thun, tạt lon, bắn bi, chọi cầu, bắt dế, lò cò, chơi u, chơi keng... mà bất cứ trẻ con nào cũng đều mê mệt.

Ngạc nhiên với câu chuyện về "bà voi" tên Chuông 65 năm tuổi ở Thảo Cầm Viên, được người Campuchia dẫn đi đường bộ sang Việt Nam. Hay rưng rưng với câu chuyện người con chỉ vì không biết ba mình mang nhóm máu gì đã làm lãng phí thời gian vàng khi cấp cứu để từ đó biết quan tâm, yêu thương gia đình hơn...

Tất cả những chi tiết này đều đến từ kí ức tuổi thơ và quá trình làm báo thiếu nhi tròn 30 năm của tác giả.

"Nhiều độc giả thuở ban đầu tôi làm báo giờ đã có gia đình, có con và chính thời gian dài sống trong thế giới tuổi thơ, tiếp xúc với nhiều câu chuyện hay, thú vị của các bạn nhỏ là nguồn chất liệu, cảm hứng dồi dào để tôi viết truyện thiếu nhi. Tôi không dám khẳng định mình là người hiểu hết về trẻ em mà chỉ là người có sự đồng cảm với các em nhiều hơn nên viết truyện thiếu nhi cũng thuận tay hơn" - anh chia sẻ.

Để không lạc lối khi sáng tác

Bên cạnh những bạn hay "ăn bí" thì cũng có teen rất dồi dào ý tưởng, câu văn bay bổng nhưng viết hoài vẫn không xong một truyện ngắn.

Lí do rất đơn giản là vì có quá nhiều sự lựa chọn khiến người viết rơi vào vòng xoáy lăn tăn không biết nên chọn hay loại bỏ chi tiết nào, đang kể chuyện A chưa xong lại lan man sang chuyện B... nên nội dung, thông điệp không được nhất quán và xuyên suốt trong tác phẩm.

Rồi có bạn đang viết giữa chừng thì bận học, bận đi trà sữa xong quay lại thì không nhớ mình đã viết những gì, mạch truyện đang đi tới đâu, tình tiết diễn tiến ra sao... đành bỏ lửng luôn.

Bí kíp của anh Cường đó là: "Soạn đề cương trước khi viết để không bị lạc lối và nên đặt ra thời hạn cho bản thân, mục tiêu rõ ràng. Mỗi ngày dành 1 - 2 tiếng, mở đề cương ra và viết theo, cứ tích tiểu thành đại thì rồi sẽ tới đích".

Cách này còn giúp cho bạn cân bằng cảm xúc và thời gian tốt hơn, vì thời gian ngắn mà cảm xúc nhiều thì cũng khó có thể viết hết ý, hoặc ngược lại có khi ngồi cả ngày cũng không viết được đoạn văn nào.

Tuy nhiên, trong quá trình sáng tác, cũng có lúc bạn vô tình tìm ra được chi tiết hay, câu thoại đắt, tình tiết làm thay đổi đường dây ban đầu mang tới sự hưng phấn cho người viết đó!

Mình viết gì cho độc giả?

Trong buổi giao lưu, anh Cường cũng chia sẻ một ý được nhiều bạn sinh viên đang theo học ngành báo chí, hay các teen cấp 3 sinh hoạt CLB báo chí - truyền thông trường phổ thông quan tâm.

Đó là: "Viết báo hay viết sách đều giống nhau ở chữ "viết". Điều quan trọng ở một tác phẩm là ta phải viết làm sao cho hấp dẫn với người đọc. Các tác phẩm báo chí thường sử dụng ngôn ngữ sự kiện. Từ thực tiễn, nhà báo có chất liệu để tạo nên những câu chuyện điển hình, có tính chất khái quát, và chuyên chở một thông điệp lớn hơn, từ đó mà cuốn sách hình thành. Thật ra, trong quá trình sáng tác, tôi cứ viết một cách tự nhiên, không phân biệt. Nhưng đến nay tôi nhận ra trong tác phẩm của mình cũng có dáng dấp của người làm báo".

Viết sao cho hay, viết gì cho chất? - Ảnh 2.

Bạn sẽ nhận ra ngay những kiến thức sinh học về quá trình thụ phấn của cây trong sách giáo khoa, số điện thoại của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, thông tin các di sản trong thành phố… được đề cập trong truyện một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ.

Mời bạn cộng tác

Từ những bí kíp trên, bạn hãy mạnh dạn viết và gửi ngay các sáng tác của mình đến email: toasoan@kqd-muctim.com để có cơ hội được chọn đăng trên ấn phẩm Mực Tím, thu âm podcast và rinh nhuận bút rủng rỉnh nhé!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: