Truyện ngắn Mực Tím: Ước mơ của mẹ, ước mơ của con

Thứ ba, 23/08/2022 09:40 (GMT+7)

Sáng nay, lúc dọn dẹp bếp, tôi đã phát hiện một mảnh giấy nằm giữa hai chồng sách.

Đấy không phải là hóa đơn tiền điện nước mà mẹ để quên. Đấy là một bản kế hoạch tôi viết lúc vừa học hết cấp một.

Điều thứ nhất: Trúng tuyển vào trường đại học danh tiếng.

Điều thứ hai: Biết làm bánh.

Điều thứ ba: Biết đánh guitar.

Tôi vo tròn tờ giấy, thở dài. Đã rất lâu kể từ khi tôi viết những điều ấy và tôi vẫn chưa biết làm bánh, chưa biết đánh đàn guitar, thậm chí còn chẳng trúng tuyển vào một trường đại học nào.

Ném tờ giấy vào sọt rác, tôi ngồi thụp xuống và tự hỏi vì sao ngày trước tôi đặt nặng kì vọng vào bản thân như thế. Nhưng trước khi tôi kịp trả lời thì một câu hỏi khác đã cắt ngang:

Vì sao tôi không thể thực hiện được những ước mơ ấy? Vì sao chứ? Nhìn qua cửa bếp để mở, tôi thấy mẹ đứng nhìn mấy bộ quần áo phơi trên dây, tay vẫn cầm chiếc thau nhựa xanh dương. Rồi dường như biết tôi cũng đang nhìn, mẹ cất tiếng:

- Hôm nay là một ngày nắng đẹp.

Mà đúng là đẹp thật. Bầu trời ngoài kia hầu như xanh ngắt, chỉ có vài gợn mây mờ nhạt. Nắng không gắt mà chỉ dìu dịu, vừa đủ ấm. Không khí cũng thoáng đãng nữa.

Chợt, tôi nhớ đến những gì mẹ nói với tôi khi trước, cũng là vào một ngày nắng tươi tắn gần giống thế này.

- Mẹ muốn con học ở trường đại học có tiếng. Con cũng phải biết làm bánh giống mẹ, à, phải biết chơi guitar nữa. Thằng Kiệt đầu xóm vừa biết làm bánh vừa biết chơi đàn kìa con!

Tôi đã lắc đầu khi nghĩ đến đấy.

Tất cả những gì tôi viết trong bản kế hoạch đều là nguyện vọng của mẹ, hoàn toàn không phải là nguyện vọng của tôi.

Nhưng nguyện vọng của tôi là gì nhỉ?

* * *

Tôi nhớ lại những ngày còn học cấp ba, có vài lần tôi và đứa bạn tên Nga ra về sau những giờ học phụ đạo trên chuyến xe buýt chiều thưa khách. Xe đi ngang qua một trường liên cấp quốc tế, bỗng dưng Nga đập vai tôi, chỉ vội vào ngôi trường đang lùi dần về phía xa:

- Sau này tao sẽ dạy học ở đấy.

Tôi không đáp lời Nga, chỉ mỉm cười và nhún vai khe khẽ. Tôi đoán Nga sẽ sớm quên những lời ấy thôi, nhưng không. Nó trúng tuyển vào một trường đại học sư phạm hàng đầu cả nước.

Đôi khi tôi thấy ghen tị với Nga. Nó có nguyện vọng rõ ràng, thành quả thì nó cũng đã đạt được, nhưng tôi thì vẫn chẳng có gì. Tôi đã trượt đại học, và ngay cả nguyện vọng của riêng tôi là gì, tôi cũng chẳng biết.

Bởi tôi, từ nhỏ đến lớn, toàn nghe lời mẹ. Bố mẹ tôi li hôn năm tôi vào lớp Một, tôi sống với mẹ, còn bố thì từ sau lần ấy tôi đã chẳng gặp mặt lần nào nữa. Mẹ là người thân duy nhất của tôi, nên ngay từ khi còn bé, tôi đã được dạy: “Phải nghe lời mẹ”. Lớn lên cũng thế, lúc nào tôi cũng răm rắp vâng lời mẹ, bất kể là những việc nhỏ nhặt như chọn kiểu váy hay những việc có ảnh hưởng tới tương lai của tôi như chọn trường, chọn ngành - tất cả đều phải đúng ý mẹ.

Ngày công bố điểm chuẩn, tôi trượt cả bốn nguyện vọng. Lúc cùng mẹ nấu bữa tối, tôi thoáng thấy mẹ thở dài. Cả lúc bày biện bàn ăn, tôi cũng thấy mẹ thở dài thườn thượt. Rồi như không kìm nén nổi nữa, mẹ nói với tôi:

“Mẹ thất vọng về con quá”. Tôi cũng không biết đáp thế nào. Các trường khác tuyển sinh bổ sung nhưng chẳng có trường nào vừa ý mẹ. Tuy mẹ không nói, nhưng tôi biết mẹ đã quyết định cho tôi thi lại.

* * *

- Thà rằng con bỏ một năm ôn thi lại, còn hơn là bỏ bốn năm học ở trường không hợp với con.

Mẹ đã nói với tôi như thế.

Mẹ cứ làm như mẹ hiểu tôi, trong khi người hiểu tôi nhất chỉ có thể là chính tôi.

Những buổi học ở trung tâm ôn thi cứ diễn ra đều đặn và chán ngắt.

Thầy cô giảng bài, tôi chép, rồi thi thử, thầy cô chấm bài.

Có vài lần tôi vô tình gặp lại bạn cùng lớp.

Đám bạn ngồi trên chuyến xe buýt mà tôi hay đi những khi tan học ở trung tâm và nhận ra tôi ngay khi tôi vừa bước chân lên xe. Nhưng tôi thì không tài nào nhận ra bọn nó.

Bọn nó quá khác hồi còn học cấp Ba.

Một người chị họ của tôi từng bảo, lên đại học thì ai cũng sẽ thay đổi, bằng cách này hay cách khác, dù ít hay nhiều. Ngẫm kĩ thì cũng đúng, đám bạn tôi học đại học nên thay đổi cả, chỉ có tôi là vẫn giống hồi cấp ba thôi.

Mà tôi thì chẳng thích thú gì việc chạm mặt đám bạn cũ, vì tôi thấy khó chịu trước những gì bọn nó kể. Lúc nào bọn nó cũng kể về trường, về giảng viên, về kí túc xá, về các bài tập nhóm, cả về thành phố mà bọn nó theo học nữa. Nhưng tôi thì chẳng có gì để kể, tôi luôn phải vào vai người lắng nghe, và việc ấy khiến tôi ấm ức tột cùng.

* * *

Hồi tôi còn nhỏ, tôi rất hay ốm vặt. Những viên thuốc khiến tôi đói rất nhanh, nên bao giờ mẹ cũng chuẩn bị sẵn cho tôi một chiếc hộp nhựa đựng đầy bánh quy mà mẹ làm để tôi mang đến trường.

Nói ra hơi giống kẻ ngốc, nhưng tôi thật sự thích những ngày đau ốm ấy. Bởi vào những ngày như thế, ngôi nhà tôi lúc nào cũng thơm phức bánh nướng. Có khi mùi bánh tràn vào phòng tôi, đánh thức tôi vào một buổi sáng mờ sương.

Có một lần, tôi nói với mẹ:

- Mẹ làm bánh ngon quá, hay là mẹ mở tiệm bánh đi.

Tôi chỉ nói đùa thế thôi, nào ngờ mẹ mở tiệm bánh thật.

Năm ấy tôi học lớp Sáu. Để có tiền mở tiệm, mẹ đã phải bán đi mảnh vườn nằm bên cạnh nhà - mảnh vườn đầy hoa dại mà ngày nhỏ tôi thường chạy ra hái.

Tiệm bánh của mẹ rất đẹp. Mẹ đã sửa căn nhà cũ mà hai mẹ con đang ở thành một tiệm bánh thật sự: có cửa kính, có tủ kính để bày bánh, có lò nướng, có máy xay, có máy đánh trứng và quan trọng là có một chiếc tủ lạnh thật lớn. Tiền bán mảnh vườn không nhiều nên mẹ chỉ thuê vài công thợ, việc gì có thể tự làm lấy là mẹ bắt tay vào làm ngay.

Đầu tiên là sơn lại những bức tường đã ố vàng - mẹ sơn chúng thành màu xanh dương hết, vì đấy là màu yêu thích của mẹ. Rồi mẹ lau chùi bàn ghế, mẹ may rèm cửa, mẹ tự trồng hoa trong chậu để bày trước tiệm cho đẹp. Ngày khai trương tiệm, mẹ kéo tôi ra đứng phía trước cửa tiệm ngắm nhìn thành quả của mẹ. Mẹ cứ bảo với tôi: “Tiệm đẹp quá nhỉ, cứ như tiệm của người khác chứ chẳng phải của mình”, mà cứ như mẹ đang bảo với chính mẹ. Còn tôi thì cứ băn khoăn mãi, không biết đổi mảnh vườn lấy tiệm bánh có đáng không.

Từ ngày có tiệm bánh, mẹ tôi không còn làm nông nữa. Cũng bởi còn vườn tược nữa đâu mà làm.

Mẹ làm bánh hăng say. Có vài lần mẹ còn định dạy làm bánh cho tôi nữa cơ, nhưng tôi lấy lí do bận học rồi từ chối ngay. Thật ra thì tôi cũng thích làm bánh, cũng thích cảm giác được cầm những chiếc bánh nóng hổi thơm tho do chính tay tôi làm, nhưng tôi ghét cụm từ “biết làm bánh giống mẹ”. Chính xác là tôi ghét cụm từ “giống mẹ”, vì tôi chưa bao giờ muốn giống mẹ cả. Giống mẹ là có một cuộc sống vất vả, là chẳng bao giờ có cơ hội biết được hạnh phúc là gì.

* * *

Tôi đang ở độ tuổi mà bất cứ thứ gì cũng đều khiến tôi băn khoăn.

Như việc tôi học đại học chẳng hạn. Nào học phí, nào tiền ở trọ, nào tiền điện, tiền nước, tiền thiết bị, tài liệu học tập... Có quá nhiều thứ phải tính đến, mà tôi thì không muốn mẹ vất vả thêm nữa.

- Mẹ, con muốn đi làm thêm.

Buổi trưa, tiệm cũng vắng khách nên tôi quyết định ngồi xuống bên cạnh mẹ và nói thế.

Mẹ hơi ngạc nhiên.

- Con định làm gì?

Mẹ hỏi. Tôi cũng không chắc chắn mấy về việc này, nhưng câu trả lời đã bật ra khỏi miệng tôi trước khi tôi kịp suy nghĩ.

- Con chạy bàn. Hoặc đi giúp việc nhà. Gì cũng được, chỉ cần mẹ đồng ý thôi.

- Con thì làm được gì chứ? - Mẹ tôi đột ngột nổi giận với tôi. Giọng mẹ vang và cao lên hẳn.

- Sao mẹ biết con không làm được gì?

- Con không biết làm việc nhà vất vả thế nào đâu! - Mẹ đứng lên, chỉ tay vào mặt tôi.

Đấy là thói quen của mẹ mỗi khi tức giận -Con không được cãi mẹ! Mẹ không muốn nói chuyện với con nữa!

- Vậy thì con cũng không nói chuyện với mẹ nữa. - Tôi đứng lên, bỏ đi thẳng vào phòng.

Nước mắt tôi trào ra ngay khi cánh cửa đóng sập lại sau lưng tôi.

Mẹ lúc nào cũng không tin tưởng tôi.

Sau buổi trưa ấy, mẹ không nói chuyện với tôi thật. Mẹ cứ bày cơm lên, rồi dọn cơm xuống như mọi ngày, nhưng không mở miệng nói câu nào cả. Tôi cũng chẳng chịu thua mẹ, không nói gì với mẹ cả, thậm chí còn cố tránh mặt mẹ.

Tôi tìm mọi cách để ra ngoài, khi thì đi học ôn thi, khi thì đi cửa hàng bách hóa mua vài món đồ, khi thì gặp mặt bạn cũ. Vốn dĩ tôi cũng chẳng thích ở bên ngoài, nhưng ít ra việc ấy vẫn còn hơn là ở nhà với mẹ.

Chưa bao giờ tôi thấy uất ức và buồn đến thế.

* * *

Nhưng việc gì cũng có lí do của nó.

Chiều muộn tan học về nhà, tôi thấy mẹ ngồi xếp bánh bao vào túi giấy để gửi cho khách. Tôi vừa định lách qua mẹ thì đột ngột mẹ ngẩng lên, hỏi:

- Đi học có hiểu bài không con?

Cuối cùng thì mẹ cũng đã lên tiếng chấm dứt cuộc chiến không nói chuyện kia.

- Tạm ạ.

Rồi tôi mở cửa phòng ngủ, lặng lẽ bước vào.

- Con cố gắng thi vào các trường lớn, học phí không cao đâu, như thế cũng đỡ vất vả cho mẹ.

Mẹ nói vội ngay trước khi cánh cửa đóng lại. Tôi trút một tiếng thở dài, thả cặp xuống đất, tựa lưng vào tường.

* * *

Sau này, mẹ mới chịu kể cho tôi hay rằng ngày trước mẹ cũng từng ước ao được đi học đại học, nhưng bị ông bà ngoại ép phải lấy bố.

Ước mơ ấy theo chân mẹ đến tận bây giờ, nên mẹ quyết tâm phải cho tôi học đến nơi đến chốn.

Mẹ bảo, nếu gia đình dư dả hơn thì tôi học trường nào cũng được, học ở đâu cũng được, nhưng tình cảnh gia đình cũng chẳng khá khẩm gì. Rồi mẹ trách tôi, mẹ trước sau gì cũng già, sao có thể làm bánh, mà tôi thì chẳng chịu học.

Còn guitar ấy à, mẹ tôi bảo là mẹ thích con gái của mẹ có tài lẻ. Đánh guitar cũng vui cửa vui nhà mà.

- Mẹ ơi, vì lấy bố nên mẹ không đi học đại học được ạ? - Đang vào mùa đông nên tiết trời bao giờ cũng lành lạnh. Tôi nép sát vào bên mẹ, xoa xoa hai bàn tay rồi cất giọng hỏi.

- Ừ. Cứ cho là vậy đi.

- Mẹ có yêu bố không? - Tôi hỏi. Thấy mẹ không định trả lời, tôi hỏi tiếp - Thế còn con, mẹ có yêu con không?

Đôi mắt mẹ đang hướng ra đường bất chợt nhìn thẳng vào tôi.

- Tất nhiên. Sao con ngốc thế hả?

Tôi ôm lấy cánh tay mẹ, phì cười. Mẹ cũng mỉm cười.

Giờ thì tôi nhận ra ước mơ của tôi rồi.

Vì con gái là phiên bản hoàn hảo của mẹ, nên ước mơ của mẹ cũng là ước mơ của con.

TRẦN VẠN NINH - Minh họa: XUÂN LỘC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: