img

Sáng nay, sương hơi dày lãng đãng bay lờ mờ trước mặt, mọi thứ như trở nên hư ảo và mơ hồ. Nước lớn, mấp mé tràn bờ, bến phà sáng nay cũng vắng khách, mọi hôm giờ này đã có rất nhiều người đứng đợi phà qua đất liền để đi chợ.

Nhà ai có ghe thì chạy ghe qua cho lẹ, còn nhà những người không có ghe thì đi phà, chứ chiếc xuồng nhỏ xíu chắc không chịu nổi một chặng đường dài từ cù lao qua đất liền. "Chèo chuyến này về chắc rã cặp tay quá!".

Khuê hay nghe bà Chín nói mỗi khi hết lượt phà đưa mà bà quá gấp nên phải tự chèo. Cù lao xa đất liền nên đành chịu, chịu cái cảnh chờ đợi để đi mua thứ mình cần, làm việc mình thích.

Bọn trẻ ở đây cũng phải chờ đợi con chữ hằng ngày, bởi thầy cô của chúng phải đợi phà, vượt sóng mới mang chữ đến nơi. Trong đôi mắt trong trẻo của bọn chúng, chữ là một thứ khó tìm và xa xỉ, dần dần chúng không còn tha thiết với cái xa xỉ ấy.

Khuê đã chờ phà được mười lăm phút. Cũng như thường ngày, Khuê đợi phà để qua cù lao lên lớp dạy. Đứng nhìn con nước lớn mơn man tràn bờ, những dòng suy nghĩ thi nhau xô đẩy trong đầu Khuê như những lớp sóng đang vỗ vào bến. Suy nghĩ về sự chọn lựa khi mới ra trường. Ngày đó, má Khuê cứ cằn nhằn:

"Mầy đi ra tuốt cù lao ở ngoải dạy rồi ăn ở đâu, ngủ ở đâu, sống ra sao, ở nhà này trồng rẫy sống gọn hơ, chết chóc gì mà sợ".

Câu nói của má vẫn bén ngót như cái ngày Khuê quyết định vào học Sư phạm, má quyết không cho, bởi trong suy nghĩ của những người dân xóm Củi này, cái nghề nhà giáo bây giờ bèo bọt lắm.

Má cũng nghĩ vậy, nên má đã phủ lên ước mơ của Khuê bằng những lớp rơm đậy liếp cải, bằng những mớ tro phủ liếp hành, bằng cái nghề trồng rẫy mà má đã một mình nuôi Khuê đến hôm nay, kể từ ngày ba Khuê ra đi sau mấy cơn đau vật vã vì căn bệnh nan y khó chữa.

Cái lý do chính đáng ấy nó đẩy Khuê ra xa cánh cửa đại học mà cô hằng mong ước. Nhưng Khuê vẫn quyết định lên Sài Gòn, giành lại ước mơ của mình trong những công việc làm thêm, trong những ngày làm gia sư cho con của mấy nhà giàu có.

Dần dần cuộc đời làm má bớt tức khi nhớ về đứa con gái ương bướng của mình, nó làm má cũng thấy thương thương cái nghề nhà giáo. Má đã không còn giận Khuê, nhưng mỗi khi thấy con người ta học ngành này, ngành nọ má lại chạnh lòng.

Truyện ngắn Mực Tím: Người mang chữ- Ảnh 1.

Minh họa: PHÚC GIANG

Gần đây nhất là nửa năm trước, ngày Khuê ra trường và nhận công việc đi dạy ngoài cù lao Bến cách nhà Khuê sáu mươi cây số và con sông rộng thênh thang.

Má chắc lưỡi, lắc đầu, mỗi lần như thế Khuê thấy con đường mình đi dài hơn gấp mấy lần số kí lô mét ghi trên bảng chỉ đường và con sông như có thêm mấy cái vàm.

Nhưng rồi một lần nữa, Khuê mang ba lô lên đường đi theo vết bụi phấn và tiếng ê a đang vang trong tâm khảm, rằng một lần nữa Khuê đã giẫm lên mấy liếp cải của má mà đi, giẫm lên luôn trái tim của người mẹ.

Bởi Khuê nghĩ, con người ta nên dấn thân vào một vùng đất mới, để biết mình có khả năng đi hay không, còn quanh quẩn bên góc nhà thì suốt đời tầm nhìn của chúng ta chẳng thể nào vươn ra khỏi đầu ngõ.

Suy nghĩ ấy làm Khuê yên tâm hơn phần nào trong công cuộc đi của mình.

Ngày Khuê mang ba lô lên và đi, mặt má buồn xo, nhưng má chẳng biết giữ Khuê lại bằng cách nào, nên rồi má lại thôi, lau nước mắt tiễn con đi. Khuê trèo lên chiếc xe máy, bật chìa khóa xe rồi quay lại:

"Má yên tâm, cuối tháng con về thăm má, sát bên đây chứ xa xôi gì mà má lo".

"Lo sao hổng lo, đi nhớ cẩn thận nghen bây, sông nước không đó, nguy hiểm thấy mồ".

"Rồi con biết rồi, má nhớ giữ gìn sức khỏe nghen!".

Từ cái ngày ấy đến hôm nay Khuê về thăm nhà được sáu lần, ban đầu thấy xa, nhưng đi riết rồi quen, cũng gần.

Gần bảy tháng ở lại cù lao, Khuê đã mến vùng đất này, mến cái cách họ sống nghĩa tình với nhau, mến cái cách thương người khác như bà con ruột thịt.

Những khó khăn vẫn bủa vây cái cù lao này, nó cố dìm đi những cố gắng của họ nhưng làm sao mà dìm được, trong cái khốn cùng họ vẫn cười rất tươi, tươi như đó chỉ là chuyện nhỏ, chuyện thường ngày thôi.

Những đứa trẻ nơi đây, đôi tay nhỏ nhắn đã có những chai sạn đi vì nắng gió, cái nghèo buộc chúng phải lăn lộn cùng sóng nước, sình bùn để kiếm từng hạt gạo.

Ngày Khuê về đây là thắp lên cho chúng niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn bây giờ. Chú Bảy hay cà rỡn:

"Từ ngày cô Khuê về đây thì tụi nhỏ bắt đầu cầm cuốn sách thay vì cầm cái giỏ, cái nơm, cái lú. Cũng mừng, nhưng ngặt nỗi còn khó khăn quá nên tụi nhỏ chưa chú tâm nhiều". - Đôi mắt chú Bảy vẫn ánh lên một tia hy vọng lấp lánh sau nụ cười hiền và chân chất.

Chú mong Khuê cố bám trụ lại nơi này, để tụi nhỏ có thêm niềm tin vào ngày mai, nhưng chú lại không biết nói chi nhiều.

Khuê cười, nụ cười tươi rói. Đất mình chênh vênh giữa bốn bề là nước, suốt ngày nghe sóng nối nhau chạy vỗ vào bờ, điện đi chưa tới, nên con chữ cũng còn mù xa.

Khuê về đây như thắp lên trong chú Bảy trưởng ấp (hoặc là trưởng cù lao) một ngọn lửa hy vọng, nên chú cố mà nung nấu sự kiên trì của Khuê hằng ngày.

Lúc mới thì đi vận động từng nhà, bà con cù lao mình còn nghèo, nên ít ai lo cho con chữ, cái cấp thiết nhất bây giờ với họ là cơm gạo sống qua ngày.

Mà cho dù họ có lo cho con chữ đi nữa thì cũng làm gì có trường để học, có ai để dạy đâu. Hồi đầu năm nghe đâu có một cô mới ra trường qua dạy, được vài tháng rồi đi mất biệt.

Cũng dễ hiểu thôi, khó khăn đủ thứ, trường lớp thì ọp ẹp, học sinh thì bữa nghỉ bữa học, có bữa chẳng có đứa nào, tụi nhỏ lo mưu sinh mà, những thứ ấy đã vùi dập sự yêu nghề và nhiệt huyết của cô giáo trẻ kia xuống sâu dưới làn nước ngầu đục của cù lao.

Mấy tháng trước Khuê về, chú Bảy mừng hết biết, nhưng những câu nói của bà con làm chú hơi lo. Cô Tám thở dài: "Ôi trời, chắc cũng được vài bữa, cái dáng mỏng manh thấy bà, sao mà chịu cực được".

Thím Ba tiếp vào cái dự đoán cũng có phần có lý của cô Tám: "Chạy bỏ dép chứ giỡn chơi, sao mà chịu nổi".

Nghĩ ra thì không phải những lời nói ấy đều là vô nghĩa, bởi họ đã từng chứng kiến biết bao thầy cô đến đây, rồi ra đi. Nắng gió cù lao đủ sức quật ngã những con người dạn dày ở đây, huống chi là những người văn phong nho nhã.

Họ sợ cũng phải thôi, nhưng người sợ hơn là chú Bảy, ông sợ lại phải thất vọng khi nhìn những đứa trẻ ở đây tiếp tục lặn ngụp mưu sinh, để rồi cuộc đời chúng lại bị cái cù lao này ghì chặt lại, bởi có cái chữ nào đâu mà đi đâu, ít ra cũng phải đọc và viết được cái tên mình chớ, làm sao mà ú ớ với chính cái thứ đã định danh mình với người khác được.

Nghĩ vậy mà chú Bảy đã tất tả chạy đôn chạy đáo khi Khuê về cù lao này dạy.

Khuê đến lớp rất sớm, để quét dọn lớp sẵn rồi chờ tụi nhỏ vào học. Sáng nay tiếng mấy con bìm bịp kêu ở đâu đó trong bụi dừa nước gần lớp học nghe buồn não ruột. Nước lên mấp mé bờ, gió chướng thổi rì rào se lạnh.

Khuê ra đứng gần mé nước nhìn ra xa ngoài bạt ngàn sóng nước, mấy chiếc lá bần vàng trôi lã chã trên sông, vài con cá lìm kìm giỡn nước chao mình theo từng con sóng.

Phía xa xa mặt trời đang nhú lên sau hàng dừa nước, le lói mấy tia nắng bơ vơ, vàng rực làm lòng Khuê thấy hơi buồn.

Cũng chẳng biết vì sao, phải chi biết tại sao mình buồn thì đỡ biết mấy, tệ thiệt! Khuê hít một hơi căng lồng ngực để dìm những nỗi buồn vô định vào sâu trong lòng, chắc nhớ má.

Bỗng mấy tiếng í ới của tụi nhỏ đã kéo Khuê về với thực tại, cô cảm giác lúc nãy mình đã viễn du ở một nơi nào đó.

Lớp hôm nay đông hơn mọi khi, tụi nhỏ bắt đầu thấy thú vị hơn với mấy cái chữ mà lúc trước chúng chưa hề biết gọi nó là gì, bởi suốt ngày chỉ biết con vọp, con cua, con còng, con ba khía.

Qua mấy tháng trời kiên nhẫn của Khuê, tụi nhỏ đã thấy cái tên mình, tên đứa bạn, tên ba má bắt đầu có nghĩa và nên hình nên dạng.

Chúng nhận thấy rằng những thứ ngoằn ngoèo trên mấy chai nước ngọt, trên bịch bánh lúc trước nay đã thẳng lối ngay hàng mà mang nhiều ý nghĩa.

Rồi chúng thấy mình sang hơn hẳn khi có chữ trong đầu, thấy mình có giá trị hơn hẳn khi má mới mua hũ thuốc và cần phải đọc xem cách sử dụng, không còn phải chạy đôn chạy đáo đi tìm chú Bảy nhờ đọc hộ.

Những điều đó làm Khuê cảm thấy công việc mình làm có nghĩa hơn, và mình ra đây là một điều đúng đắn. Cô cũng thấy mình bớt áy náy hơn khi nghĩ về cái lần cãi má để ra đây.

Truyện ngắn Mực Tím: Người mang chữ- Ảnh 2.

Minh họa: PHÚC GIANG

Vài hôm sau, khi Khuê đang dạy tụi nhỏ làm toán, thì chú Bảy dẫn một người vào, chú bảo:

"Khuê cho chú xin phép xíu nghen cháu! Ông chào mấy cháu, nay trường mình có một thầy về để dạy cho mấy cháu, ông xin giới thiệu đây là thầy Tân, sau này sẽ dạy môn toán cho mấy cháu, cho thầy một tràng vỗ tay đi".

Tiếng vỗ tay lốp bốp vang lên, kèm theo mấy tiếng xầm xì của tụi nhỏ. Khuê nhìn Tân rồi cười, nụ cười tươi rói của buổi sáng hôm nay.

"Chào thầy, sau này tui đỡ cực hơn xíu rồi, thay mặt tụi nhỏ cảm ơn thầy".

Tân cười, nụ cười cũng đẹp, rồi Tân quay xuống:

"Thầy chào các bạn, được sự phân công thì hôm nay thầy về đây để dạy các bạn".

Một tràng pháo tay nữa vang lên, thế là cù lao này lại có thêm một người nữa về đưa con đò tri thức.

Nụ cười chú Bảy tươi hơn, tụi nhỏ cũng vui hơn vì sau này cái chuyện tính tiền bán cá, bán cua dễ dàng hơn một xíu, đơn giản vậy thôi là đã vui lắm rồi chứ có cần gì cầu kỳ nữa đâu. Cuộc sống vốn đơn giản, chỉ là con người ta đòi hỏi ở cuộc sống hơi cao thôi.

Kể từ khi Tân về cù lao này, tụi nhỏ hào hứng lại càng hào hứng hơn, muốn đi học hơn, muốn biết nhiều thứ hơn và cha mẹ chúng cũng yên tâm hơn khi con mình đi học.

Chú Bảy cũng vận động bên đất liền, đi xin tùm lum chỗ cho tụi nhỏ có tập, sách để học, để đeo đuổi cái thứ mà lúc trước bọn chúng cho là mơ hồ và vô nghĩa.

Mấy tháng trời đứng lớp cùng nhau, Tân và Khuê thấy mình đã sống cho một cái nghề ý nghĩa và cả sống cho nhau nữa.

Cùng thương tụi nhỏ, cùng thương bà con mình, cùng thương cái nghề mình thích, những cái cùng đó đã đưa họ đến gần nhau hơn, để rồi họ thấy cái cù lao này cũng đáng để đến quá chừng.

Sau này khi hỏi ra mới biết, Tân và Khuê cùng một tuổi, rồi mang chữ về cùng một cái cù lao, tính ra cũng trùng hợp thiệt, những suy nghĩ ấy làm Khuê và Tân thấy vui và thấy tim mình hơi xao động.

Cùng chuyến phà đến lớp, cùng những cảm xúc bâng quơ khiến họ thấy cuộc đời này đáng sống hơn mỗi ngày.

"Sao mà anh chạy tuốt ra đây dạy vậy? Ở trong đất liền dạy hổng sướng hơn hả?". - Khuê hỏi khi đang tựa vào lan can cầu, mặt nhìn ra sóng nước và chuyến phà sáng đang è ạch chạy qua cù lao, thở ra từng hơi khói đen bay lãng đãng.

"Sướng thì sướng thiệt, nhưng ra đây thấy công việc mình có ý nghĩa hơn rất nhiều". - Tân trả lời khi đang đứng cạnh Khuê, lưng tựa vào lan can nhìn theo hướng ngược lại.

"Còn em thì sao?".

"Em nhận ra đây khi nghe người ta kể về tụi nhỏ ở cù lao này, khổ quá chừng, mười ba, mười bốn tuổi mà cái tên mình còn chưa biết đọc, thấy thương quá nên em nhận lời luôn, dù em biết em đang cãi lời của má".

"Vậy ra má em cũng không cho em đi! Ba má anh cũng vậy, cũng do thương tụi nhỏ quá nên anh đi đại".

Khuê ngạc nhiên nhìn Tân:

"Ủa vậy ra ba má anh cũng không cho anh ra đây?".

"Dễ gì cho".

Khuê lại quay ra nhìn con nước đang vô định trôi hờ hững: "Rồi họ sẽ hiểu cho mình thôi". - Kèm theo đó là một nụ cười tràn đầy hy vọng.

"Hổng ấy cuối tháng này em về đất liền với anh đi!".

"Nhưng... em còn phải về thăm má nữa".

"Thì về nhà anh, rồi anh chở em về thăm má".

"Má nào?".

"Má em, chớ má nào".

"Ờ! Cũng được".

Khuê cười tươi rói, nắng cũng đã lên le lói, hôm nay ấm hơn mọi ngày, chuyến phà sáng nay cũng náo nhiệt hơn hẳn.

Sau mười lăm phút è ạch chạy, nó đã cập bến, người xuống kẻ lên thi nhau đi, thi nhau về để thấy cù lao mình tươi hơn cái vẻ trầm buồn mọi ngày của nó.

Tụi nhỏ bắt đầu ham học hơn, học sinh bắt đầu đông hơn, các mạnh thường quân cũng phối hợp cùng trường xây thêm phòng cho tụi nhỏ.

Cù lao bắt đầu rộn rã, dường như nó đã thức dậy sau biết bao năm ngủ thiếp đi, trở mình và đang phát triển.

Sau Khuê và Tân có thêm tiếp bốn thầy cô nữa mang chữ về cù lao, hứa hẹn những trang vở mới đầy chữ. Chú Bảy vui hết biết, chú hướng mắt nhìn về đất liền, thầm nghĩ: "Hổng biết hai cái đứa này nó có bỏ cù lao hông nữa...".

"Dễ dầu gì, sao mà bỏ được chú, thương thấy mồ". - Có tiếng vọng nào đó đang vang trong tâm khảm chú Bảy và chạy dài mơn man theo sóng nước cù lao.

NGUYỄN CHÍ THIỆN
PHÚC GIANG
NAM KHA
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tản văn Mực Tím: Khi mẹ thay đổi

    Tản văn Mực Tím: Khi mẹ thay đổi

    Đấy, rõ ràng là tình yêu của mẹ dành cho con cái đâu có vơi đi mà đứa con ngốc nghếch của bà cứ phải lo sợ điều viển vông? Nó thậm chí còn được nhân đôi, nhân ba để vừa đủ san sẻ thêm cho một người không kém phần quan trọng khác.

    Hùng tráng lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

    Hùng tráng lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

    Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' diễn ra sáng 7-5 tại sân vận động tỉnh Điện Biên.

    Tuổi trẻ Thành phố hướng về Điện Biên: Hành trình tri ân và tự hào

    Tuổi trẻ Thành phố hướng về Điện Biên: Hành trình tri ân và tự hào

    Tuổi trẻ TP.HCM với niềm tự hào và tri ân sâu sắc đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa phát huy sức sáng tạo, xung kích chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954 - 07-5-2024).

    Truyện ngắn Mực Tím: Năm phút để gặp cậu

    Truyện ngắn Mực Tím: Năm phút để gặp cậu

    Đó là lúc tôi hiểu ra rằng: "Trưởng thành là khi bạn nhận ra bạn nghĩ về một ai đó. Nhưng thay vì nhắn tin hay trò chuyện dồn dập, bạn lặng lẽ học và làm việc. Tình cảm không nhất thiết cần quá lý trí".

    Truyện ngắn: Chỉ là bạn thân thôi!

    Truyện ngắn: Chỉ là bạn thân thôi!

    Bởi vì lúc câu chuyện được kể đến đây, có hai biến chuyển đã xảy ra. Biến chuyển thứ nhất là: Trâm vừa mạnh dạn đăng ký ngôi trường yêu thích "Đại học Dược Hà Nội" làm nguyện vọng một. Còn biến chuyển thứ hai là: mối quan hệ giữa Trâm và Việt thực sự có bước tiến mới.

    Bộ sưu tập cặp đi học độc lạ của Trường THPT Võ Văn Kiệt vào ngày thứ 5 hạnh phúc

    Bộ sưu tập cặp đi học độc lạ của Trường THPT Võ Văn Kiệt vào ngày thứ 5 hạnh phúc

    Teen Trường THPT Võ Văn Kiệt đã có nhiều ý kiến sáng tạo, hài hước để thay thế chiếc cặp truyền thống trong Ngày thứ 5 hạnh phúc tại trường.

    Ngày thứ 5 hạnh phúc của teen Trường THPT Võ Văn Kiệt

    Ngày thứ 5 hạnh phúc của teen Trường THPT Võ Văn Kiệt

    Teen Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8) đã có một "ngày thứ 5 hạnh phúc" với trải nghiệm không mặc đồng phục và không mang cặp sách đi học.

    Mê mẩn vẻ đẹp của hoa bằng lăng qua ống kính của chàng trai gen Z

    Mê mẩn vẻ đẹp của hoa bằng lăng qua ống kính của chàng trai gen Z

    Cứ vào độ giữa cuối tháng tư, những cây hoa bằng lăng trên tuyến đường quốc lộ 80 thuộc thị trấn Lấp Vò (Đồng Tháp) lại có dịp khoe sắc.

    Truyện ngắn Mực Tím: Bên cạnh cậu, my dear!

    Truyện ngắn Mực Tím: Bên cạnh cậu, my dear!

    Chợt tôi nghĩ đến một bài hát về chuyến tàu thanh xuân của IU, bài hát ấy có thông điệp thế này: "Mùa xuân tuy ngắn ngủi nhưng rồi sẽ quay trở lại".

    Truyện ngắn Mực Tím: Gió theo lối gió, mây đường mây

    Truyện ngắn Mực Tím: Gió theo lối gió, mây đường mây

    Gió theo lối gió, mây đường mây. Rồi một ngày ở trời Tây xa lắc ấy, cơn gió kia vì phải lòng đám mây lang thang mà vượt biển quay lại, đẩy đám mây theo chân cùng mình rong ruổi khắp đất trời.