Thiếu nhi Bình Chánh 'hiến kế' phát triển du lịch

Chủ nhật, 17/12/2023 07:27 (GMT+7)

Trong Hội thi Đại sứ du lịch nhí huyện Bình Chánh do Huyện Đoàn - Hội đồng Đội huyện tổ chức, Ban tổ chức biểu dương 4 bạn Đội viên đã có hiến kế quà tặng du lịch đặc sắc, ấn tượng, có thể được sử dụng trong thực tế. Đó là gì nhỉ?

Nghĩ đến huyện Bình Chánh, bạn nghĩ đến điều gì? Các bạn nhỏ nghĩ ngay đến Khu di tích Láng Le - Bàu Cò, Làng nhang Lê Minh Xuân… để lên ý tưởng làm những sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo mang nét đặc trưng của huyện làm quà tặng khách du lịch, đoàn ngoại giao khi đến tham quan du lịch nơi đây. Đặc biệt nhằm góp phần phong phú bộ nhận diện hình ảnh, thương hiệu và quảng bá du lịch địa phương.

Thiếu nhi Bình Chánh 'hiến kế' phát triển du lịch- Ảnh 1.

Chị Lê Thị Thanh Tâm (phó bí thư Huyện Đoàn -phó chủ tịch Hội đồng Đội huyện Bình Chánh) trao thưởng cho các bạn nhỏ có hiến kế sản phẩm quà tặng du lịch độc đáo - Ảnh: BTC cung cấp

Trong Hội thi Đại sứ du lịch nhí huyện Bình Chánh do Huyện Đoàn - Hội đồng Đội huyện tổ chức, Ban tổ chức biểu dương 4 bạn Đội viên đã có hiến kế quà tặng du lịch đặc sắc, ấn tượng, có thể được sử dụng trong thực tế. Đó là gì nhỉ?

Móc khóa có hình Khu di tích Láng Le - Bàu Cò (Bình Chánh)

Bạn Nguyễn Gia Hân (Trường THCS Nguyễn Thái Bình, huyện Bình Chánh) nghĩ ngay đến chiếc móc khóa in hình bức tượng Khu di tích Láng Le - Bàu Cò.

Móc khóa có viền ngoài là bông lúa thể hiện truyền thống nghề nông nghiệp lúa nước của huyện nhà nói riêng và nước Việt Nam nói chung. Hân mong muốn lan tỏa sự bình yên, ấm no về tương lai phát triển đất nước qua hình ảnh bông lúa nước.

Trên móc khóa, cô bạn còn vẽ thêm ngôi sao vàng 5 cánh in trên quốc kỳ của Tổ quốc.

Thiếu nhi Bình Chánh 'hiến kế' phát triển du lịch- Ảnh 2.

Móc khóa in hình bức tượng Khu di tích Láng Le - Bàu Cò của Gia Hân - Ảnh: BTC cung cấp

Cuối cùng, Hân viết thêm dòng chữ Khu di tích Láng Le - Bàu Cò trên móc khóa nhằm nhắc nhở những ai giữ móc khóa sẽ không quên nơi nó được sinh ra đó bạn!

Tượng làm nhang, gợi nhớ nghề truyền thống

Còn bạn Võ Nguyễn Tiến Đức (Trường THCS Đa Phước, huyện Bình Chánh) lấy ý tưởng từ Làng nhang Lê Minh Xuân. Tiến cho rằng, Bình Chánh có nhiều làng nghề truyền thống, mỗi xã lại có những sản phẩm đặc trưng riêng nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến làng nhang.

Thiếu nhi Bình Chánh 'hiến kế' phát triển du lịch- Ảnh 3.

Tiến Đức thiết kế tượng người phụ nữ làm nhang - Ảnh: BTC cung cấp

Bạn đã thiết kế lại bức tượng một người phụ nữ làm nhang. Mặt chính diện và bên phải mô phỏng người phụ nữ Nam bộ chất phác mặc bộ bà ba với tư thế ngồi xổm, hai tay cầm bó nhang nhuộm đỏ au, xung quanh là sương khói được thể hiện cách điệu.

“Mỗi cây nhang thành hình, người thợ phải đổ bao nhiêu công sức nhuộm, xay, se, phơi… Qua bức tượng, mình muốn tôn vinh nghề làm nhang cũng như người thợ làm nhang. Mình hy vọng mọi người luôn quý trọng công sức của người thợ thủ công mỗi khi thắp những nén nhang, bởi nó không chỉ mang giá trị văn hóa của người Á Đông mà còn là truyền thống ông cha ta gìn giữ đến ngày hôm nay”, Đức nói.

Đồng hồ lưu niệm in hình đình Phú Lạc

Bạn Oba Hoài An (Trường THCS Phong Phú, huyện Bình Chánh) thì lên ý tưởng làm sản phẩm lưu niệm bằng chiếc đồng hồ. Trên đồng hồ vẽ bức tranh mảnh đất quê hương thân thương.

Thiếu nhi Bình Chánh 'hiến kế' phát triển du lịch- Ảnh 4.

Chiếc đồng hồ in hình Đình Phú Lạc được Oba Hoài An thiết kế - Ảnh: BTC cung cấp

Theo Hoài An, mỗi khi xem giờ là mỗi lần du khách nhớ về những trải nghiệm, vẻ đẹp nơi đây. Hình ảnh bên trong đồng hồ có thể thay đổi theo địa danh nơi du khách đặt chân tới, qua đó tạo sự đa dạng cũng như nâng tính ứng dụng của chiếc đồng hồ. “Mình hy vọng sản phẩm này sẽ là làn gió mới để phát triển du lịch huyện”, bạn nói.

Xà phòng sữa dê handmade

Huỳnh Gia Hân (Trường tiểu học Nguyễn Văn Trân, huyện Bình Chánh) sáng chế xà phòng sữa dê handmade được làm thủ công từ sữa dê và các loại tinh dầu thiên nhiên.

Thiếu nhi Bình Chánh 'hiến kế' phát triển du lịch- Ảnh 5.

Xà phòng làm từ sữa dê của bé út Gia Hân - Ảnh: BTC cung cấp

Xà phòng này được yêu thích vì có nhiều ưu điểm vượt trội so với xà phòng công nghiệp như an toàn cho da, không chứa hóa chất độc hại, tốt cho sức khỏe, giúp dưỡng ẩm, làm mềm da, trị mụn… Chưa kể, xà phòng có hương thơm dễ chịu, giúp mọi người thư giãn, có tạo hình bắt mắt.

“Xà phòng sữa dê có nhiều hình dạng, màu sắc, hương thơm khác nhau. Điều này giúp chúng ta có thể lựa chọn được món quà phù hợp sở thích và nhu cầu người nhận”, Hân khoe.

Nhờ tình yêu quê hương, đầu tư cho việc tìm hiểu kỹ càng lịch sử cũng như tiềm năng phát triển của huyện, 4 sản phẩm của các bạn nhỏ được Ban giám khảo “bấm like” kịch liệt. Quá hay luôn!

Bạn có thể phát triển du lịch địa phương qua những ý tưởng sáng tạo nhỏ như các bạn này đấy. Hãy thử ngay thôi!

Củ Chi có thêm một di tích cấp thành phố

Ngày 23-11-2023, Di tích lịch sử Căn cứ Gò Môn được TP.HCM công bố quyết định xếp hạng Di tích cấp thành phố.

Di tích lịch sử Căn cứ Gò Môn tọa lạc tại ấp An Bình, xã Trung An, huyện Củ Chi. Nơi đây còn gọi là Bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ Trung đội Gò Môn.

Thiếu nhi Bình Chánh 'hiến kế' phát triển du lịch- Ảnh 6.

Di tích lịch sử Căn cứ Gò Môn

Tháng 5-1961, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định hợp nhất 2 địa phương là Gò Vấp và Hóc Môn thành quận Gò Môn, bao gồm 21 xã - thị trấn.

Đêm 10-7-1961, đêm “Đồng khởi” của quân dân Gò Môn đã nổ ra. Hàng vạn quần chúng nhân dân nhất tề đứng lên, rầm rập xuống đường tuần hành, biểu dương khí thế cách mạng…

Ngày 12-11-1964, tại vùng căn cứ cách mạng ở xã Trung An, do có chỉ điểm nên địch đã càn quét, tấn công bất ngờ. Chúng dùng thuốc nổ ném xuống địa đạo. Tất cả 22 chiến sĩ Trung đội Gò Môn và khoảng 60 cán bộ chiến sĩ, đồng bào xã Trung An đã anh dũng hy sinh dưới lòng địa đạo.

Thiếu nhi Bình Chánh 'hiến kế' phát triển du lịch- Ảnh 7.

Đội viên Trường THCS Trung An (huyện Củ Chi) thăm viếng và dâng hương Di tích lịch sử Căn cứ Gò Môn

Tháng 7-1991, thành phố tiến hành xây dựng và ngày 27-7-1991 làm lễ khánh thành Bia tưởng niệm Cán bộ - Chiến sĩ Trung đội Gò Môn. Bia Trung đội Gò Môn được thiết kế theo dạng hình vòng cung, cao khoảng 3,5m, ở giữa phía trên có ngôi sao vàng 5 cánh và dòng chữ in lớn “Tổ quốc ghi công”. Phía dưới khắc ghi tên tuổi của những cán bộ, chiến sĩ Trung đội Gò Môn đã hy sinh.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: