Sự thật về những ‘âm thanh may mắn’ thu hút điểm 10 trên Tiktok

Chủ nhật, 10/12/2023 10:00 (GMT+7)

“Dùng âm thanh may mắn để thu hút điểm 10 kỳ thi”, “Lưu âm thanh để crush nhắn tin cho mình”, Những video trông đơn giản này lại nhận được số lượt thả tim, lượng view rất cao trên TikTok. Thực hư thế nào nhỉ?

Có 10 điểm nhờ dùng âm thanh may mắn

Đây là lần thứ n V. (lớp 9, quận 6) nghe đoạn video “âm thanh may mắn”.

Những video đều có chung một công thức: Một hình ảnh đẹp + một câu caption bày tỏ thông điệp + một đoạn âm thanh không lời. Người đăng tải chỉ cần quay đoạn ngắn hình ảnh bất kỳ như ly trà sữa, đập hộp điện thoại mới… theo kiểu “chill chill”, sau đó gắn âm thanh nhẹ nhàng.

Sự thật về những ‘âm thanh may mắn’ thu hút điểm 10 trên Tiktok- Ảnh 1.

Ảnh: Chụp màn hình

Trên video sẽ có một câu kích thích mọi người bấm vào như “Âm thanh của sự may mắn là thật nha mọi người”, “Sử dụng âm thanh này trong vòng 2 tiếng may mắn sẽ đến với bạn”, “Âm thanh phát ra năng lượng tích cực”, “Thử liền mọi người ơi”…

Sự thật về những ‘âm thanh may mắn’ thu hút điểm 10 trên Tiktok- Ảnh 2.

Ảnh: Chụp màn hình

V. cho biết: “Các video này trông rất thật. Có người khoe clip nhận được tiền, quà khi nghe âm thanh. Có người nhận được điểm cao hay qua kỳ thi tiếng Anh nào đó. Chưa kể, ở dưới bình luận nhiều người chia sẻ điều kỳ diệu sau khi nghe khiến mình cũng bán tin bán nghi muốn thử”.

Sự thật về những ‘âm thanh may mắn’ thu hút điểm 10 trên Tiktok- Ảnh 3.

Ảnh: Chụp màn hình

Thật vậy, bên cạnh những bình luận “xin đón nhận thông điệp”, “xin vía”, rất nhiều người chia sẻ rằng video có hiệu lực.

Tài khoản P. chia sẻ: “Mình cũng hay lưu âm thanh này lắm. Nghe ngày hôm trước, hôm sau mình có được 10 điểm kiểm tra luôn”. Tài khoản Z. thì sáng lưu âm thanh, chiều mẹ dẫn đi mua điện thoại mới.

Sự thật về những ‘âm thanh may mắn’ thu hút điểm 10 trên Tiktok- Ảnh 4.

Ảnh: Chụp màn hình

Tài khoản M. không chỉ được 10 điểm, bạn còn nhận được nhiều điều bất ngờ khi nghe video “âm thanh may mắn”. Sau khi nghe đoạn video “Mẹ bạn sẽ nhận được khoản tiền lớn khi bạn sử dụng âm thanh này”, mẹ M. trúng số. Tuy chỉ trúng được 100k nhưng bạn rất vui vì video hiệu nghiệm.

Nhưng liệu những lời chia sẻ đó có thật 100% hay đơn giản là tình cờ đúng chuyện, đúng thời điểm. Chưa kể những người làm video có thể đánh vào tâm lý tò mò của người dùng mạng xã hội câu view, lấy tương tác.

'Âm thanh may mắn' do chính bạn tạo ra

Bên cạnh những bạn gặp may với “âm thanh may mắn”, vẫn còn nhiều người khổ tâm khi tin vào những video này. 

Q. (lớp 7, TP.Thủ Đức) chia sẻ: “Trước ngày kiểm tra, mình tình cờ xem được một video “âm thanh may mắn”. Mình quyết định không học bài để xem sự thần kỳ của video. Ai dè phát điểm ra mình dưới trung bình”.

Từ đó, cô bạn không dám phó mặc số phận cho các video may mắn nữa mà tự học bài, tự nỗ lực chăm chỉ.

Còn N. (lớp 9, quận 7) cho rằng, đôi khi sự may mắn của các video này chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên: “Trong lớp, có bạn nữ khoe được ba tặng giày hiệu sau khi nghe âm thanh đặc biệt này. Thực tế, gia đình bạn ấy có điều kiện nên chuyện mua giày vô cùng đơn giản.

Nhiều bạn khác cũng khoe có điểm cao nhờ nghe video nhưng mình biết rằng bạn ấy cũng học quá trời để có được thành tích như vậy. Mình nghĩ chỉ cần nỗ lực, bạn có thể gặt hái thành công mà không cần trông chờ vào âm thanh nào hết”.

Những đoạn video “âm thanh may mắn” đánh trúng trái tim mọi người bằng sự mê tín lạ kỳ. U15 khi đăng âm thanh đều mong muốn điều gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra trong cuộc sống. 

Đặc biệt, các video thông điệp may mắn cho gia đình thường nhận được lượt tim khủng vì ai cũng mong muốn gia đình được bình an.

Điều này vô tình tạo thành trend, y hệt như chuyện share muỗng, đũa thần cách đây không lâu. Trào lưu share muỗng, đũa tưởng nhảm nhí nhưng lại thu hút hàng trăm sĩ tử trước mỗi mùa thi.

Thế nhưng, cuộc sống là do ta tự quyết định, học hành cũng là do bản thân tự cố gắng. Không có “âm thanh may mắn”, may mắn là do ta làm nên.

Hiện nay có nhiều hình thức câu like, câu view theo công thức trải nghiệm cá nhân “Mình đã làm điều này và rất hiệu quả”. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu, đơn vị nào kiểm chứng, kết quả khoa học nào... không được dẫn chứng kèm theo. Ở tâm thế người dùng, việc chia sẻ thông tin này là hành vi vô thưởng vô phạt kèm theo suy nghĩ “Nếu không được thì thôi, không mất gì”. Và theo hiệu ứng đám đông, càng nhiều người chia sẻ càng thu hút sự chú ý.

Việc này có thể là mầm mống nguy hiểm khi vô tình hình thành thói quen chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng, từ đó trở thành nạn nhân của những đối tượng kích động, tạo dựng những thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến tư duy hoặc thậm chí vi phạm luật An ninh mạng.

Nghiên cứu sinh tâm lý Đào Lê Tâm An

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: