Những câu chuyện hồi hương của người dân miền Tây: “Xa cách mấy tôi cũng muốn trở về”

Thứ ba, 05/10/2021 10:25 (GMT+7)

Được nhanh chóng trở về quê hương có lẽ đang là ước muốn của hàng ngàn người con phải xa xứ, lên Sài Gòn lập nghiệp lúc này.

Gia đình cùng đi bộ

Trưa nắng, Quốc Lộ 1A đoạn chạy ngang huyện Bình Chánh TP.HCM vẫn đông đúc xe cộ, dòng người chạy xe máy “khệ nệ” ràng buộc đủ các món đồ, va li, ba lô để trở về quê… Không chỉ có xe máy, tham gia vào hành trình hồi hương này còn có những đôi chân mỏi mệt… Họ dự tính đi bộ hàng trăm cây số để về Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang

Người dân về quê trong ngày 4/10.

Trong chiếc áo sơ mi bạc màu ướt đẫm mồ hôi, ông Tân (quê Sóc Trăng) cùng vợ con đi bộ đã một ngày một đêm từ khu vực cầu vượt Sóng Thần (Thủ Đức) mới đến được huyện Bình Chánh. Vợ con đi trước ông Tân chậm chạp dắt theo chiếc xe đạp chất đủ thứ đồ từ mì gói, xôi, quần áo và cả vài tấm bạt để trải nằm. “Tôi thất nghiệp 4 tháng rồi, làm công việc phụ hồ, giờ đây cũng không còn chỗ để ở. Chỉ có thể về lại quê, đi bộ cũng phải về…” Ông Tân nói trong nước mắt.

Ông Tân dẫn bộ xe đạp về Sóc Trăng.

Chi Mỹ (20 tuổi, con gái của ông Tân) cũng đã lên TP.HCM được 4 năm, công việc chính là làm việc thời vụ, dịch bệnh thu nhập không có, những tháng qua chị và gia đình chỉ có thể sống bằng nguồn trợ cấp. Chị Mỹ chia sẻ: “Phải về quê thôi, đi đến đâu hay đến đó, tối thì cả nhà cùng trải tấm bạt ra ngủ tạm. Chỉ hi vọng đến được cửa ngõ thành phố ở phía trước, nghe nói sẽ có xe khách từ thiện chở về, nếu không có lại đi bộ tiếp”.

Gia đình ông Tân cùng đi bộ về Sóc Trăng.

Những mảnh đời xa lạ nhưng giống nhau

Chiếc xe đạp ba gác vẫn còn mới toanh chất đầy đồ đạc từ quần áo, chăn màn, mấy kí gạo... Đó có lẽ là tài sản cuối cùng và đáng giá nhất của chị Hường (quê An Giang). Vài tháng trước khi TP.HCM chưa bùng dịch, chị Hường gom góp được ít tiền mua tạm chiếc xe đạp ba gác để bán trái cây dạo ở quận 8. Buôn bán chưa bao lâu, thành phố phải giãn cách, chị và con gái cố gắng đùm bọc nhau nhiều tháng qua.

Nhưng khó khăn vẫn chất chồng khi chị không thể gồng gánh thêm được nữa, không có tiền nên chỗ ở cũng không còn. Chị Hường phải chọn cách đẩy xe đạp ba gác cùng con gái đi bộ về quê. “Ở đây mỗi tháng tôi phải đóng 3 triệu tiền nhà trọ, không thể đi làm được, hết tiền nên chỗ ở cũng không có. Dưới quê vẫn còn anh chị, về dưới thuê trọ ở cũng chỉ có 600 ngàn một tháng. Mấy tháng nay ở đây tôi và con gái chỉ ăn cơm với trứng đỡ vậy thôi”.

Chị Hường và con gái đẩy xe ba gác về An Giang.

Không được may mắn như chị Hường vì vẫn còn có được chiếc xe đạp ba gác, vợ chồng anh Danh Quang và chị Ngọc Mến chỉ còn ba lô quần áo. May mắn trên đoạn đường đi bộ về quê, anh Quang và chị Mến gặp được chị Hường, được chị cho để đồ lên xe nhờ, đỡ phần nặng nhọc.

Vợ chồng chị Mến, anh Quang (bìa phải).

Hai mẹ con quê An Giang, hai vợ chồng quê Kiên Giang tuy họ xa lạ, không quen biết nhưng bốn mảnh đời lại có hoàn cảnh giống nhau. Họ nhanh chóng làm quen, tương trợ nhau trong quãng đường dài phía trước. “Từ đây về An Giang không biết bao nhiêu cây số nhưng tôi vẫn muốn đi. Tôi bị bệnh tim, vợ chồng tôi lên thành phố buôn bán ve chai, người thân ở dưới quê cũng hết cách để giúp đỡ tôi rồi, nên phải về thôi. Vài ngày trước tôi còn bị một người lạ mặt nhận là xe ôm, chở chúng tôi ra bến có xe đưa về An Giang, do không biết đường và không rõ thông tin nên tôi bị họ lừa hết mấy trăm ngàn”, chị Mến ngậm ngùi kể lại.

Hai mẹ con chị Hường và vợ chồng anh Quang cùng đi bộ về quê.

Dịch bệnh phức tạp, khó khăn được chia đều cho tất cả mọi người. Không chỉ có chị Mến, anh Quang hay chú Tân… vẫn còn đó nhiều đôi chân chọn cách đi bộ để trở về quê. Chưa biết là 3 ngày, một tuần hay lâu hơn nữa ước nguyện hồi hương của họ mới thành sự thật, nhưng những đôi chân ấy vẫn cố bước.

Các nhóm thiện nguyện tặng quà giúp đỡ người dân về quê.

Và cũng trên Quốc Lộ 1A đoạn qua cửa ngõ huyện Bình Chánh, cách vài cây số lại có một đoàn thiện nguyện tổ chức tặng thức ăn, nước uống cho bà con trở về quê. Vừa trao nhau túi bánh, chai nước … người nhận cám ơn, người tặng cũng vội vàng nói đôi lời qua lớp khẩu trang: “Về quê cẩn thận, đi đường bình an nha…”

Bài - ảnh: DUY LÊ

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: