Nhóm thầy giáo trẻ biến rác thải thành dụng cụ học tập, lan tỏa lối sống xanh

Thứ tư, 15/12/2021 21:47 (GMT+7)

Nhóm thầy cô trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) đã gặt hái nhiều thành công với đề tài “Sáng kiến giáo dục bền vững từ rác thải tái chế - Xây dựng bảo tàng mini”.

Đều đặn suốt 2 năm qua, nhóm “Tương lai xanh” gồm 4 thầy giáo trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) đã miệt mài thu thập những phế liệu như bìa các tông, ống hút nhựa, thùng xốp... để chế tạo nên những dụng cụ học tập vô cùng độc đáo và trưng bày trong mô hình bảo tàng mini.

Đây là không gian cho phép học sinh có thể tham quan và sử dụng các dụng cụ học tập trực quan này để giúp cho việc tiếp thu kiến thức trở nên dễ dàng hơn. Từ đó, đem đến một cái nhìn khác biệt và một phương pháp học tập hoàn toàn mới. Đề tài là bước phát triển từ công trình mà một thành viên trong nhóm đã đem đến cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 trước đó.

Đề tài “Sáng kiến giáo dục bền vững từ rác thải tái chế - Xây dựng bảo tàng mini” nhận được giải Nhì cuộc thi "Thanh niên sáng tạo vì khí hậu"

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện đề tài, thầy Nguyễn Anh Tuấn (thành viên nhóm “Tương lai xanh”, giáo viên môn GDCD trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) cho biết: “Bản thân mình thấy rằng, việc tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học đem đến rất nhiều những lợi ích trong việc thay đổi nhận thức của mọi người vì môi trường. Đặc biệt là đối với các bạn học sinh. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành các sản phẩm này chúng mình có những băn khoăn rất lớn trong việc liệu rằng những sản phẩm đó sẽ đi về đâu?

Hiệu quả cũng như tính bền vững trong giáo dục cần phải được thể hiện ngay lúc này, vậy nên chúng mình đã nảy ra ý tưởng xây dựng một ‘bảo tàng mini đồ dùng dạy học từ rác thải cho học sinh phổ thông’ và vận dụng ngay trong bộ môn chúng mình đang giảng dạy rồi mở rộng ra các môn học khác.”

Những sản phẩm tái chế được sử dụng trong quá trình học tập của các bạn học sinh

Cũng theo thầy Tuấn, “Bảo tàng mini đồ dùng học tập bằng rác thải" mang đến rất nhiều trải nghiệm đặc biệt trong quá trình học cho các bạn học sinh. Dưới bàn tay khéo léo của cả thầy và trò, những chiếc hộp bút nhỏ xinh, mô hình tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ, sa bàn về lịch sử, mô hình học tập môn Hóa học hay mô hình lịch sử phát triển loài người… từ rác thải đã dần xuất hiện.

Không chỉ vậy, khi không gian trưng bày được hình thành, các bạn học sinh cũng đã trở thành những hướng dẫn viên, những điều phối viên, những người thuyết trình, những người kể chuyện dựa trên những món đồ tái chế mà mình đã làm ra. Đồng thời, mô hình này cũng giúp thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu - một trong những vấn đề vô cùng nóng hiện nay.

Dưới bàn tay khéo léo của cả thầy và trò, những mô hình tái chế xinh xắn dần ra đời

Nhìn lại hành trình hơn 2 năm thai nghén và hoàn thiện đề tài, thầy Tuấn cho biết khó khăn lớn nhất là nhóm gặp phải là việc xây dựng đề tài diễn ra ngay trong thời điểm dịch Covid 19 bùng phát và có dấu hiệu gia tăng. Điều này khiến đề tài chưa thể hoàn thành một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, thầy Tuấn cùng các thành viên trong nhóm đã khắc phục bằng cách số hóa ý tưởng, đưa mã QR code vào để trải nghiệm online đối với học sinh. Sau đó khi các bạn học sinh được quay trở lại trường thì sẽ trải nghiệm trực tiếp.

Trải qua nhiều cố gắng và nỗ lực, đề tài của nhóm “Tương lai xanh” đã xuất sắc vượt qua hàng nghìn thí sinh trên cả nước để đạt giải Nhì toàn quốc cuộc thi "Thanh niên sáng tạo vì khí hậu". Bên cạnh đó, nhóm cũng lọt vào top 15 công trình, sáng kiến tham gia tranh tài tại vòng chung khảo chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020".

Nhóm "Tương lai xanh" trình bày về đề tài “Sáng kiến giáo dục bền vững từ rác thải tái chế - Xây dựng bảo tàng mini”

Bày tỏ cảm xúc của bản thân khi nhận về những “trái ngọt” quý giá này, thầy Tuấn bộc bạch: “Còn gì vui sướng và hạnh phúc hơn khi những cố gắng và nỗ lực của mình được ghi nhận và được lan tỏa đến thế hệ trẻ. Chúng mình rất tự hào và hy vọng rằng dự án sẽ được lan tỏa sâu rộng hơn đến tất cả mọi người.”

Thời gian tới, thầy Tuấn cho biết mình cùng các thành viên nhóm “Tương lai xanh” sẽ triển khai chuyển giao ý tưởng cho tất cả các đơn vị có mong muốn hợp tác. Từ đó, giúp sáng kiến được lan tỏa sâu rộng hơn, tạo điều kiện cho các bạn học sinh thỏa sức khám phá sáng tạo.

ÁNH DƯƠNG

Nguồn ảnh: NVCC

(theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: