Ngày giáp Tết của những học trò sống một mình

Thứ năm, 18/01/2024 06:54 (GMT+7)

Những ngày giáp Tết, ai cũng thèm cảm giác sum vầy, được quây quần bên mâm cơm có đầy đủ thành viên trong gia đình. Thế nhưng, với nhiều cô cậu học trò mà Mực Tím có dịp gặp gỡ, đó mãi mãi là giấc mơ giấu kín trong lòng.

Mỗi năm gặp mẹ một lần

Mới 5 tuổi, Lưu Thị Khánh Linh (THPT Nguyễn Trường Tộ, Đắk Lắk, gương mặt nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam của Mực Tím) đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ ly hôn. Linh và mẹ dọn về sống với ông bà ngoại ở huyện M’Drak, bố thì lập gia đình mới.

Ông ngoại thương hai mẹ con nên đã cắt cho miếng đất, rồi dựng cho ngôi nhà nhỏ. Được ít lâu, mẹ Linh lên TP.HCM mưu sinh, cô bạn lại chuyển về ở nhà ông bà.

Ngày giáp Tết của những học trò sống một mình- Ảnh 1.

Chỗ nấu ăn không có đèn, Linh phải dùng tạm đèn flash điện thoại - Ảnh: ĐẶNG HỒNG THẮM

Năm Linh lên lớp 8, ông ngoại qua đời, bà ngoại nay ốm mai đau. Sau mấy ngày đắn đo, cô bạn quyết định chuyển về nhà cũ, sống một mình.

“Mình hay học bài khuya, sợ làm ảnh hưởng giấc ngủ của bà. Mình cũng muốn đi làm thêm để tự lo cho bản thân” - Linh tâm sự.

Nói là ở riêng, nhưng Linh vẫn tranh thủ chạy qua chạy lại, vừa chăm sóc bà, vừa để ý người cậu bị thiểu năng bẩm sinh. Về phần mình, cô bạn cố gắng tự lo hết.

Ngày giáp Tết của những học trò sống một mình- Ảnh 2.

Ở một mình nên Linh xin chú chó về nuôi để ban đêm đỡ sợ - Ảnh: ĐẶNG HỒNG THẮM

Linh làm thêm đủ thứ nghề, quen tay nhất là làm cỏ, tỉa bắp và “làm cao su” (gồm các công việc đánh đông mủ, bóc mủ, úp chén khi trời mưa - phóng viên).

Mấy năm gần đây, huyện tập trung phát triển cây cao su, nhờ vậy mà cô bạn... có việc đều đều. “Mùa hè mình đi làm suốt, vào năm học thì làm cuối tuần. May là ở đây có nhiều chủ vườn chịu trả lương theo giờ, theo ngày” - Linh bộc bạch.

Mỗi tháng, mẹ có gửi tiền về, nhưng số tiền ít ỏi ấy phải nuôi đến ba người - bà ngoại, cậu và Linh, nên tính ra chẳng đủ vào đâu. 

Nhờ làm thêm mà cô bạn tự xoay xở khá ổn, nhất là mấy lúc phải đóng tiền học thêm hay mua dụng cụ học tập.

“Nhà năm nay dột quá! Chờ mẹ về, mình và mẹ sẽ lợp lại mái” - Linh vừa chỉ lên trần nhà vừa nói. Mỗi năm, cô bạn gặp mẹ đúng một lần, vào dịp Tết. Không có bố bên cạnh, ông đã mất, Linh chỉ biết cố gắng vượt qua cảm giác “không đủ đầy tình cảm”.

Ước mơ lớn nhất của cô gái nhỏ là xây được một ngôi nhà mới, để hai mẹ con có chốn đi về.

Chỉ ước mẹ nhận ra mình

Giống như Khánh Linh, cậu bạn Lục Tiểu Phụng (THPT Krông Nô, Đắk Nông) đang sống một mình trong căn nhà của bác ruột. Bố mất, mẹ bị kích động dẫn đến tâm thần, Phụng mất đi hai chỗ dựa tinh thần quan trọng nhất cuộc đời từ khi còn rất nhỏ.

Ngày giáp Tết của những học trò sống một mình- Ảnh 3.

Phụng đi chợ một lần ăn cả tuần, chủ yếu chỉ mua trứng và mấy loại củ để được lâu - Ảnh: ĐẶNG HỒNG THẮM

Ban đầu, Phụng sống nhờ nhà nội, mẹ thì sống bên ngoại. Năm lớp 11, vì muốn tiện đường đi học và có không gian yên tĩnh để học bài, cậu bạn xin dọn về sống trong căn nhà gỗ của bác ruột.

Dù được bác giúp đỡ nhưng Phụng vẫn tranh thủ đi làm thêm, không muốn dựa dẫm ai. “Mình chủ yếu làm nông, việc gì làm được là làm, như hái cà phê, lượm điều, bẻ bắp. Cực nhất là làm củi (chặt hoặc cưa củi rồi xếp lên xe tải - PV). Kiếm được đồng tiền chân chính không dễ chút nào” - Phụng chia sẻ.

Trải qua nhiều biến cố, từ nhỏ không có ai để chia sẻ nên Phụng từng có thời gian bị trầm cảm.

Cậu bạn sợ giao tiếp, sống khép kín và chỉ biết bấm thật mạnh vào tay mỗi khi phải nói chuyện với người lạ. Phải cố gắng lắm Phụng mới có thể trở lại cuộc sống tương đối bình thường.

Ngày giáp Tết của những học trò sống một mình- Ảnh 4.

Bạn Lục Tiểu Phụng - Ảnh: ĐẶNG HỒNG THẮM

“Hiện tại, dù tâm lý vẫn chưa thật sự ổn định nhưng mình đang cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày. Mẹ đã không nhận ra mình từ 8 năm trước, nên ước mơ lớn nhất của mình là mẹ sớm bình phục và nhớ ra mẹ vẫn còn đứa con này” - Phụng trầm ngâm, thỉnh thoảng vẫn bấm vào tay.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: