Lớp học Tiếng Nhật miễn phí tại làng đại học

Thứ tư, 04/04/2018 16:01 (GMT+7)

Ngày đầu đi học, thầy vừa uốn lưỡi vừa đọc “wa - ta - shi - wa” (xin chào), còn tôi thì ngơ ngác, cố gắng đọc theo. Các bạn bên cạnh thì lật vở ghi chép cách phát âm, bạn thì lẩm nhẩm đọc từng chữ “wa”, “ta”,…

Từ hầm giữ xe đến tầng trệt

Lớp học tiếng Nhật miễn phí do các thành viên CLB Tiếng Nhật AIO Yume Confessions tổ chức tại tòa nhà D5, D6 (kí túc xá khu B - Đại học Quốc Gia TP.HCM) vào mỗi tối thứ ba, năm hàng tuần thu hút nhiều sinh viên tham gia. Không khí ồn ào, nhốn nháo từ các bạn nam đang xem chung kết đá bóng không làm mất sự tập trung của hàng chục người ở đây. Người học vẫn miệt mài vừa đánh vần, vừa nắn nót từng chữ.

Điều tôi thấy thú vị ở lớp học này chính là “giáo viên” và sinh viên chẳng khác nhau là mấy, ấy là nói về tuổi tác. Giáo viên là các anh chị đã từng học Tiếng Nhật và các bạn sinh viên khoa Nhật Bản học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc Gia TP.HCM. Chủ nhiệm CLB là bạn Nguyễn Thị Thùy Trang (21 tuổi, Sinh viên khoa Nhật Bản học trường ĐHKHXHNV).

Thành viên CLB Tiếng Nhật AIO Yume Confessions cùng với các học viên lớp A1 - Nguồn: Facebook

Kể về những ngày đầu thành lập, anh Nguyễn Tấn Hồng (Phó chủ nhiệm CLB Tiếng Nhật AIO Yume Confessions) cho biết đó là những tháng ngày gian nan: “Trước đó, lớp học tổ chức ở dưới hầm để xe A1, A2. Ở đó không có nhiều bàn, bảng, không được nói lớn và diện tích tương đối nhỏ. Sau này nhờ một số anh chị bên tòa D5, D6, anh hỏi mượn không gian, bàn, bảng và loa để học. Từ dạo đó, lớp học chuyển qua tòa D5, D6”.

Mặc dù dạy ở tầng trệt D5, với điều kiện tốt hơn, nhưng khi tôi hỏi chị Việt Trinh (sinh viên năm tư Khoa Nhật bản học) về những khó khăn tại lớp học hiện tại, chị nói: “Lớp học của Kí túc xá, không gian mở nên dễ bị ảnh hưởng tiếng ồn, nhiều bạn đi học còn xả rác. Lớp học miễn phí nên không có bất kì ràng buộc nào, các bạn mang tâm lý học cho biết nên nghỉ học rất nhiều.”

Khi hỏi về dụng cụ loa bổ trợ, tôi được biết, lúc đầu lớp học có sử dụng loa, nhưng sau này vì yếu tố kỹ thuật nên không sử dụng loa để giảng dạy nữa. Đặc biệt, lớp học nằm giữa hai quán cà phê và ministop nên khá ảnh hưởng tiếng ồn. Mặc dù giáo viên đã cố gắng nói to nhưng nhiều bạn sinh viên ở phía cuối lớp vẫn không thể lắng nghe kịp.

Người duy trì hoạt động của lớp học là anh Nguyễn Hoàng Thanh Phúc (sinh viên năm tư, khoa Nhật Bản học, trường ĐH KHXHNV). Xuất phát từ sở thích đi làm tình nguyện và với vốn Tiếng Nhật có sẵn, anh quyết định mở một lớp dạy Tiếng Nhật miễn phí cho các bạn sinh viên mong muốn học Tiếng Nhật nhưng không đủ điều kiện. Tuy nhiên, giai đoạn đầu gặp khó khăn về nhân lực và các học viên đăng kí đông nhưng không nghiêm túc học, dẫn đến lớp học ngày càng ít dần. Anh nói: “Mình đã đưa ra những quy định như không được nghỉ quá ba buổi, nghỉ phải xin phép, phải học bài trước khi đến lớp, và nếu vắng quá số buổi tự động nghỉ nhưng tình hình lớp học vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể là các bạn vắng nhiều và đi học thì không đồng đều về chất lượng”.

Những người thầy không “bằng cấp”

Cứ vào lúc 19h, tại tầng trệt D5, tôi bắt gặp hình ảnh những cô cậu sinh viên cầm phấn, bút, giảng dạy cho các bạn cùng tuổi, nhỏ hơn tuổi từng chữ tiếng Nhật… Đôi lúc tôi quan sát một bạn nam đang uốn nắn từng chữ cho một bạn gái. Anh vừa cầm bảng chữ cái tiếng Nhật, vừa kiên nhẫn nói to “ma”, “Chữ này đọc lại là “ma”, chữ kia đọc là “mư”. Khi khác, tôi lại thấy hình ảnh chàng trai tỉ mỉ vừa tô từng chữ “a”, “ma”, vừa đọc “mơ, mu, ma, me”, hai ba lần.

Lần đầu làm “thầy giáo”, anh Lương Hồng Đông (22 tuổi, ngành Tự động hóa, trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM) không khỏi ngỡ ngàng khi học viên toàn nữ: “Lúc đầu, các bạn nữ cũng “quậy” lắm, sau đó thì học hành nghiêm túc lại”. Trong quá trình hướng dẫn, anh đôi lúc cảm thấy khó xử khi chưa thể giải thích cách phát âm cho các bạn hiểu rõ, đến khi hướng dẫn thì một vài bạn không tập trung nghe giảng mà “nghịch” điện thoại.

Lớp học Tiếng Nhật đông đúc sinh viên vào ngày đầu tiên tại tầng trệt D5 - Nguồn: Facebook

Bạn Nghiêm Đức Manh (20 tuổi, sinh viên khoa Nhật Bản học trường ĐH KHXHNV) cũng bắt đầu đi dạy với vai trò là một sempai (người đi trước). Tuy nhiên, trong quá trình ấy, Sempai Mạnh cũng không ít lần không vui: “Đôi khi, mình cho bài tập, đăng lên nhóm ở Facebook, các bạn đều “dạ”, “vâng ạ” nhưng lại không học. Đến lúc hướng dẫn có vài bạn không theo kịp lại lấy lý do là hôm trước nghỉ học nên chưa chép bài. Lúc khác, mình đưa ra những yêu cầu bài tập, các bạn nhìn thấy rồi cũng để đó, không thèm trả lời làm mình cũng chẳng còn động lực để hướng dẫn”.

Bạn Nguyễn Thị Diệu Linh (sinh viên năm nhất khoa Nhật Bản học, trường ĐH KHXH NV) chia sẻ: “Lớp học chênh lệch về trình độ vì hầu như các bạn đi học với tâm lý không coi trọng. Nhiều bạn nghỉ học mà không xem bài trước, nên khi anh chị hướng dẫn thì không theo kịp. Nhiều bạn đi học không đầy đủ, đi trễ nên làm mất thời gian của các bạn khác.”

PHƯƠNG THẢO

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: