Làm sao để thoát vòng vây bắt nạt?

Thứ tư, 03/04/2024 20:00 (GMT+7)

Ngoài những người bạn dễ thương, đáng yêu, đôi khi chúng ta cũng gặp phải bạn bè kỳ cục ngay trong trường lớp. Đây là một số tình huống bị bắt nạt mà chính nạn nhân chia sẻ. Các bạn ấy đã xử lý thế nào để thoát khỏi vòng vây của kẻ bắt nạt?

Làm sao để thoát vòng vây bắt nạt?- Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

Im lặng là đồng ý, ủa bạn ơi?

Đang đứng chuyện trò cùng bạn bè, bất ngờ M. (lớp 8) được một bạn nam cùng lớp rủ chơi cá độ đá banh. M. ngây ngô hỏi đó có nghĩa là gì. Bạn giải thích nếu đội M. bắt mà thua phải chung cho bạn 50.000đ.

Rồi bạn tự phân cho M. 1 đội, bạn 1 đội. Nghe chuyện cá độ liên quan tiền bạc, M. im lặng bỏ đi. Bạn nói với theo: “Ê, im lặng là đồng ý nha!”.

Mấy ngày sau, bạn gặp M. đòi 50.000đ vì đội bạn phân cho M. đã thua. M. không đồng ý thì bạn nhào tới hăm dọa sẽ không để yên cho M. Lo lắng, lúng túng, M. đem sự việc kể với ba mẹ. Gia đình liên hệ ngay giáo viên chủ nhiệm và bạn đó đã bị xử phạt.

* Nhờ nói với ba mẹ mà M. tránh được một trận đòn. Với lại, bạn cũng đã rút kinh nghiệm ứng xử cho những lần sau.

Nếu không thích hoặc không đồng ý chuyện gì, bạn lên tiếng ngay chứ không im im như thế nữa.

Có người hẹn ra cổng “xử lý” kìa!

“Sao bạn dám nói tôi xé sổ đầu bài? Sau giờ học, hẹn gặp ngoài cổng”, nói xong, nhỏ X. bực tức bỏ đi, còn B. chau mày suy nghĩ. Hiểu lầm đây mà!

Chuyện là có một nhóm bạn quậy phá trong giờ học và bị giáo viên bộ môn ghi tên vào sổ đầu bài. Nhóm bạn này hẹn nhau ở nhà vệ sinh xé sổ đầu bài. Một bạn cùng lớp tình cờ phát vụ việc và mật báo cho ban cán sự lớp, trong đó có B.

Trước đây, X. từng quậy quọ. Tuy nhiên thời gian gần đây, bạn ngoan hiền trở lại và không tham gia vào nhóm xé sổ đầu bài. Song, do X. từng ở trong nhóm đó nên thầy cô hiểu lầm bạn cũng tham gia và đang định trách phạt. Chính sự việc này làm X. tức tối tìm B. đòi giải quyết.

Tan học, B. đến đúng điểm hẹn. X. nhào tới mắng té tát, B. bình tĩnh lắng nghe và từ tốn giải thích. B. xin lỗi vì để X. bị hiểu lầm. Bạn cũng chia sẻ chuyện X. không tham gia vào vụ việc, thầy cô đừng trách phạt. Thấy B. nói năng rõ ràng, X. dịu lại và không ra tay nữa.

* B. chia sẻ để tránh chuyện bé xé to, nếu mình có lỗi hãy mạnh dạn, chân thành xin lỗi đối phương. Đồng thời, bạn cần bình tĩnh nói rõ ràng, cụ thể ý của mình để đối phương hiểu cho đúng, cho đủ.

Cú bẻ lái bất ngờ

“Cô nhờ em ghi tên những bạn vi phạm trong lớp và báo cáo với cô”, là một lớp trưởng nên khi cô giao nhiệm vụ, T. khó lòng từ chối. Tuy nhiên, trong số những bạn vi phạm bị đọc tên có một bạn nữ rất khó chịu về chuyện này. Bạn ấy đã lên mạng xã hội đăng những lời mỉa mai T. Một số người không rõ vụ việc có những comment hạ thấp, chế giễu T.

Chẳng những thế, bạn còn lập nhóm anti T., T. bực lắm. Sau khi chia sẻ sự việc với ba mẹ, bạn đã gặp riêng bạn ấy nói chuyện cho rõ ràng. T. bảo đây là nhiệm vụ của cô giao nên bạn phải làm theo.

Nếu bạn cảm thấy phiền lòng, bạn có thể nói điều đó với cô để tìm hướng giải quyết. Việc bạn đưa sự việc lên mạng xã hội sẽ khiến vấn đề đi xa hơn, không hay chút nào và bạn có thể bị kỷ luật.

Sau khi nghe T. phân tích, bạn ấy nhận ra lỗi của mình, xin lỗiT. Điều bất ngờ từ sự việc này, hai đứa lại thân với nhau.

* Không phải kẻ bắt nạt nào cũng hoàn toàn xấu tính.Có những bạn chỉ vì bực tức chuyện gì đó mà hành xử chưa đúng. Là bạn bè, bạn nên bao dung và ứngxử tinh tế, khéo léo với các bạn ấy. Qua các mâu thuẫn, bạn và bạn bè sẽ hiểu nhau, ngày càng khắng khít hơn nữa đấy.

Bạn bè sẽ có những lúc va chạm, hiểu lầm dẫn đến mâu thuẫn. Tuy nhiên, chuyện bé đừng xé to mà hãy nhã nhặn, ôn hòa cùng nhau giải quyết. Như vậy, bạn đến trường lớp mới vui chứ!

Nếu bạn không biết cách giải quyết xích mích, bạn nên chia sẻ rắc rối của mình với những người đáng tin tưởng như ba mẹ, thầy cô…

(*) Vì sự an toàn và riêng tư của các bạn nên tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Người đủ 14 tuổi đã có thể chịu trách nhiệm hình sự

Tuần qua, nhiều người phẫn nộ trước thông tin Đ., một nam sinh 14 tuổi ở Hà Nội bị người khác đánh đến bất tỉnh.

Làm sao để thoát vòng vây bắt nạt?- Ảnh 2.

Minh họa: FREEPIK

Chuyện xảy ra khi bạn này chơi bóng rổ và có mâu thuẫn với K. (12 tuổi). Sau đó, K. đã gọi bố và anh trai (16 tuổi). Hai anh em của K. đánh Đ. đến bất tỉnh. Sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu và điều trị vài ngày, các bác sĩ cho biết Đ. đã chết não, mời người thân đưa Đ. về nhà.

Có dư luận bàn tán: Thủ phạm gây thương tích chongười khác nếu dưới 16 tuổi, là trẻ em thì sẽ không vi phạm pháp luật. Điều này có đúng không?

Trao đổi về câu hỏi này, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ nhiệm CLB Tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp Trung ương, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM) cho biết:

- Người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

- Người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội có tính chất rất nghiêm trọng (đến15 năm tù) và đặc biệt nghiêm trọng (đến chung thân, tử hình).

Ngoài ra, cô nhắc nhở nếu bị đánh, các bạn cần biết cách phòng vệ bản thân như chạy đi chỗ khác, la lên kêu cứu để người khác tiếp ứng. Sau đó, bạn cần tìm cách báo ngay cho phụ huynh, nhà trường để được hỗ trợ.

Nếu biết con em mình bị đánh, phụ huynh cần kịp thời đưa con em đi khám, điều trị, trấn an tâm lý cho con em. Sau đó, phụ huynh bình tĩnh tìm hiểu sựviệc. Nếu có dấu hiệu tội phạm, phụ huynh cần báo ngay cho công an phường nơi xảy ra sự việc.

Bên cạnh đó, cô cũng khuyên các bạn lẫn phụ huynh cần bình tĩnh, ôn hòa giải quyết sự việc. Mọi người không nên chuyện bé xé to kẻo người mang tật, người tù tội sẽ không hay.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: