Làm gì để tránh "cú sốc" khi... du học?

Thứ sáu, 30/12/2022 15:13 (GMT+7)

Không chỉ là “chân trời mơ ước” hay cuộc sống toàn “màu hồng”, bạn còn có những thách thức mới khi quyết định du học.

Phương Linh (trái)

CÚ SỐC TRƯỚC VĂN HÓA,PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

Việc sống ở một đất nước khác biệt về văn hóa là điều không dễ đối với nhiều du học sinh trong thời gian đầu. Bạn Dương Thị Mai Phương (17 tuổi, học sinh trường Givat Haviva International School, Israel) cho biết bạn bị “choáng ngợp” bởi văn hóa và phương pháp giáo dục ở nơi mình đến.

Cẩm Vân

“Nếu ở Việt Nam thường sẽ có giờ nghỉ trưa, nhưng ở bên này bọn mình chỉ có 30 phút ăn trưa (vào 12 giờ 30) và bắt đầu ngay với tiết học tiếp theo hoặc một số hoạt động ngoại khóa mà trường tổ chức. Gần như mọi người chuyển động liên tục, không ngừng nghỉ nên đôi lúc mình cảm thấy quá tải và mệt mỏi, cả thể chất lẫn tinh thần”, Mai Phương cho biết.

Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề về cách biệt văn hóa, từ nếp sống, phong cách sinh hoạt, ẩm thực đến quan niệm sống mà bất cứ du học sinh nào cũng đều ít nhiều trải qua.

Cách để sớm vượt qua và thích nghi là gì? Bạn Luyện Phương Linh (ĐH Kinh tế Quốc dân Plekhanov, Nga) “bật mí”: “Ông bà ta bảo “nhập gia tùy tục”, nhờ chủ động chia sẻ những khó khăn với giáo viên và được giáo viên dẫn đi các lễ hội văn hóa của người dân bản địa, mình đã rút ngắn khoảng cách của 4 chữ “khác biệt văn hóa”. Ngoài ra, mình tham gia các diễn đàn thanh niên quốc tế tại đây và kết nối với nhiều bạn bè đến từ những vùng lãnh thổ, quốc gia khác nhau, nhờ vậy mà mình có thêm những người bạn luôn sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ và dẫn mình đi khám phá”.

RÀO CẢN NGÔN NGỮ

Ngoài văn hóa, ngôn ngữ cũng là một vấn đề nhiều bạn du học sinh phải đối mặt, dù đã chuẩn bị kĩ lưỡng. Phương Linh cho rằng: “Bất cứ du học sinh nào cũng từng một lần “sốc” khi nghe người bản địa nói chuyện, nó khác hoàn toàn với những gì mình học trong sách và nghe audio. Tốc độ nói “siêu nhanh” của người Nga khiến mình đôi lúc “hoang mang” khi giao tiếp”.

Tương tự, thời gian đầu du học, Cẩm Vân (du học sinh Nhật) cho biết cô bạn rất ít dùng tiếng Nhật, vì tự ti và trong quá trình học còn ít giao tiếp nên ngại miệng. “Khi đi mua sắm, đa số lúc ấy mình toàn dùng tiếng Anh nhưng người Nhật họ lại không biết tiếng Anh, nên phải cầm điện thoại để tra cứu, vừa mất thời gian vừa gây khó chịu cho đối phương, thời gian đầu mình toàn “núp” trong nhà rồi gọi giao hàng”, cô bạn chia sẻ.

Sau một tháng, Vân đã tự tin dùng tiếng Nhật cơ bản trong giao tiếp và tiếp tục trau dồi ngôn ngữ. Cô bạn đã tập luyện bằng cách nói chuyện với những bạn người Nhật chung fandom (fan nhóm IZ*one) nên cũng dần dạn miệng hơn.

CHUẨN BỊ GÌ CHO CUỘC SỐNG TỰ LẬP?

Ngoài những vấn đề trên, còn ti tỉ điều mà bạn phải đối mặt khi bước chân sang một môi trường mới. Lạc đường ở sân bay, bị lấy cắp ví, giấy tờ tùy thân,... là những gì Vũ Đình Hùng (cựu sinh viên ngành ngôn ngữ học, đại học Sư Phạm Saint-Petersburg, Nga) từng trải qua và tự xoay xở khi du học. Theo anh, nên chuẩn bị cho mình tâm lí thật vững vàng và một tấm lòng cởi mở để chấp nhận chào đón mọi điều xảy đến.

“Năm 2017, mình qua Nga lần đầu tiên, mình mất hộ chiếu và toàn bộ giấy tờ tùy thân, và đó không phải lần duy nhất (sau đó mình mất hộ chiếu vào 2019 và 2020). Lúc đầu mình hoảng lắm, làm đủ cách để liên hệ hỏi han, rồi cũng chẳng biết phải đi đâu, gặp ai, làm gì, làm như thế nào với vốn tiếng Nga câu được câu mất ấy...

Trong những lần tiếp theo, khi đã có kinh nghiệm xử lí vấn đề, mình thấy có lẽ lúc đó mình nên để bản thân bình tĩnh, cho bản thân một khoảng thời gian nhất định để bộc lộ toàn bộ cảm xúc, rồi sau đó sẽ “gạt nước mắt” và đứng lên đối mặt với những điều đang xảy ra. Lúc tâm lí không ổn định, càng làm sẽ càng rối và cũng không có hiệu quả”, Hùng chia sẻ.

Kĩ năng tự chăm sóc, bảo vệ bản thân luôn cần thiết, nhất là khi bạn du học. Hồi mới đến Nga, Hùng phải nằm “liệt giường” gần một tháng vì bệnh. Anh cho biết: “Cũng tính gọi cấp cứu mà đâu biết phải gọi ai và gọi như thế nào, vốn tiếng Nga thì bập bẹ. Nghe người ta bảo bên nước ngoài đi viện tốn tiền lắm nên chẳng dám gọi. May có mấy anh chị em cùng phòng, cùng tầng tự đùm bọc nhau nên cũng đỡ phần nào. Sau trận ốm đó mình vỡ lẽ ra được khá nhiều điều về sức khỏe và cách chăm sóc bản thân. Không ai có thể bảo đảm được rằng sức khỏe của bạn là vô cực, nên cố gắng tập thể dục, đi bộ, đi dạo hàng ngày, tắm nắng, hít thở không khí trong lành trong công viên để rèn luyện sức khỏe”.

Cần đề phòng với những trường hợp quấy rối, nguy cơ về an toàn tính mạng của bản thân, vì bạn có thể là nạn nhân bất cứ lúc nào. Ngoài ra, đối với những bạn đang du học ở nước có tình hình chính trị bất ổn, cần theo dõi, tuân thủ những thông báo của quốc gia mình sống, của Chính phủ và Đại sứ quán Việt Nam. Ngoài ra, cần mang đầy đủ các giấy tờ như passport, visa mỗi khi ra ngoài.

DUY DƯƠNG

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: