Khi nghề báo là nhịp cầu kết nối yêu thương

Thứ sáu, 12/01/2024 16:26 (GMT+7)

Nhân dịp thổi nến mừng sinh nhật ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ, các anh chị phóng viên đã kể lại những kỷ niệm trong quá trình đi thực tế cơ sở, đi viết bài ở những vùng sâu, vùng xa.

Có lẽ, điều đọng lại sâu sắc nhất trong những bài viết của phóng viên báo Đội là tình cảm, sự sẻ chia dành cho độc giả nhí thân yêu!

Hạnh phúc của người viết

Ba mẹ P. đã chia tay. Trước đó, ba của em làm nghề lái xe ôm nên thường xuyên chạy từ Bình Dương lên TP.HCM thăm con gái. Rồi chẳng may ba P. bị tai nạn, không thể di chuyển nên việc thăm nom con gái đành tạm gác lại.

Nhà P. nghèo, mẹ vừa bán vé số, vừa may quần áo nhưng bữa được, bữa không nên chẳng có điều kiện cho em đi xe về quê thăm ba. Nhớ ba, muốn được thăm ba, P. bèn viết thư gửi chị Mê Ly (báo Nhi Đồng TP.HCM) kể câu chuyện của mình.

Khi nghề báo là nhịp cầu kết nối yêu thương- Ảnh 1.

Phóng viên Phương Vy với trẻ em Mường Lói, Điện Biên

Xúc động với lá thư này, tòa soạn phân công tôi tìm hiểu thực hư câu chuyện và giao thêm nhiệm vụ đưa P. về quê thăm ba. Khi xe đến gần nhà P., chúng tôi rất xúc động khi biết cô bé cùng mẹ đã thức từ sớm, chuẩn bị những món bánh mà ba thích. Đến nơi, cửa xe vừa xịch mở, P. đã chạy vội vào nhà ôm chầm lấy ba...

Bẵng đi một thời gian, hôm nọ, tôi bất ngờ nhận được hộp quà. Trong đó là tranh do chính P. vẽ tặng, một móc khóa nhỏ và lá thư P. viết. Trong tranh, P. phác họa hình ảnh của tôi lúc gặp em: tóc ngắn, đeo mắt kính, mặc quần jeans, áo thun.

Trên gương mặt tôi là nụ cười rất tươi. Tôi tự hỏi em ấy làm thế nào để lưu lại khoảnh khắc gặp gỡ ngày hôm ấy vì em không hề có điện thoại hay máy tính. Tôi cũng chưa chụp chung với em tấm hình nào.

Ở tòa soạn, chúng tôi thường nói vui rằng: “Tụi mình viết bài về trường học hạnh phúc. Vậy làm nghề báo mình có hạnh phúc không?”. Tôi bảo có, vì chính việc làm cho các em học sinh hạnh phúc qua từng trang viết là cách để người cầm bút hạnh phúc.

Nấu ăn cho em

Trong chuyến đi Hà Giang công tác, tôi đã chứng kiến hình ảnh vô cùng xúc động của những học trò nhỏ vùng cao. Khi sương giá bao phủ núi rừng, những đôi chân trần thoăn thoắt bước đi.

Hành trang đến trường của các em chẳng phải cặp, sách hay bút vở mà là chiếc cà mên đựng mèn mén. Bạn nào nhà khá giả hơn thì có cơm nguội kèm chút rau.

Nhiệt độ ngoài trời xuống còn 4-5 độ C, tôi khoác lên người lớp áo dày cộm giữ ấm. Vậy mà, các bạn nhỏ đến trường vẫn áo quần mỏng manh, hai má hây hây vì rét.

Tôi cùng cô giáo chủ nhiệm vo gạo nấu cơm, rửa rau để chuẩn bị cho các em có một bữa ăn đầy đủ cá thịt. Nước sinh hoạt lạnh như nước đá. Nhiều lần không chịu nổi, tôi xuýt xoa, nhấc tay ra khỏi thau nước.

Một lúc sau, tay tôi đỏ ửng, phồng rộp rất khó chịu. Cô giáo liền nói: “Học sinh ở đây tay chân đều phỏng lạnh như vậy hết, riết rồi cũng thành quen”. Câu nói ấy khiến tôi xót xa vô cùng.

Khi nghề báo là nhịp cầu kết nối yêu thương- Ảnh 3.

Phóng viên Tâm Huỳnh với một em nhỏ vùng cao

Sau bao công đoạn chuẩn bị, cuối cùng bữa ăn cho các em cũng hoàn thành. Được ăn cơm với thịt, câu chuyện tưởng chừng như rất đơn giản ở dưới xuôi nhưng với học sinh ở các điểm trường vùng núi là rất khó khăn. 

Các bạn ăn ngon miệng, đôi mắt trong veo với nụ cười mát lành. Vậy là chiếc bụng đói mọi ngày, hôm nay đã căng no hơn hẳn.

Khi nghề báo là nhịp cầu kết nối yêu thương

Làm báo không chỉ viết bài, đưa tin mà tôi cảm thấy mình còn có trách nhiệm lan tỏa năng lượng tích cực và đồng hành cùng các mảnh đời khó khăn. Thật may từ khi làm việc tại báo Khăn Quàng Đỏ, tôi có nhiều cơ hội để thực hiện điều đó.

Tin nhắn lúc giữa trưa

Trưa nọ khi đang làm việc, tôi nhận được tin nhắn của mẹ bạn Trần Nguyễn Bảo Như (lớp 7 Trường THCS Lê Quý Đôn, TP.Thủ Đức). Cô chia sẻ Như lại nghỉ học vì nôn ra máu quá nhiều. Cô muốn dẫn bạn đi khám mà túng quá, không còn tiền chữa trị.

Khi nghề báo là nhịp cầu kết nối yêu thương- Ảnh 4.

Ngay sau tin nhắn của mẹ Bảo Như, phóng viên Lê Vi đã thay mặt mạnh thường quân chuyển quà cùng học bổng đến bạn.

Hoàn cảnh của Như, tôi đã dõi theo hơn 1 năm. Vì vậy, khi mẹ Như “cầu cứu”, tôi lập tức chia sẻ với tòa soạn. Thật biết ơn vì ngay lúc đó, một mạnh thường quân đã gửi Bảo Như 3 triệu đồng. Tôi lập tức đến nhà thăm bạn sau khi nhận tin nhắn chưa đầy 60 phút.

Chạnh lòng khi biết ước mơ của cậu bạn 13 tuổi

“Chị, ở Thảo Cầm Viên có con vẹt không?”. Nghe bạn Lưu Văn Trương (Lớp tình thương Lửa Việt, quận Tân Phú) hỏi, khóe mắt tôi cay cay. Bởi lẽ đây là lần đầu tiên, cậu bạn 13 tuổi được bước vào khu vui chơi mơ ước.

Từ nhỏ, Trương đã cùng mẹ rong ruổi bán vé số dạo. Trương học xong lớp 1, mẹ bị viêm phổi nặng. Cậu bé phải vào bệnh viện chăm mẹ từ ngày này sang ngày khác.

Nhưng rồi, mẹ cũng “đi xa”, bỏ lại Trương chông chênh giữa dòng đời… Khó khăn, cái ăn lo còn chưa xong, Trương nào dám nghĩ đến chuyện đi chơi như bạn bè đồng trang lứa.

Khi nghề báo là nhịp cầu kết nối yêu thương- Ảnh 5.

Ảnh: LÊ VI

Hôm được phân công dẫn Trương cùng các bạn khó khăn khác tham quan Thảo Cầm Viên trong Chương trình Cột mốc vàng ghi dấu ấn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada (21-8-1973 - 21-8- 2023), tôi vui lắm. Càng hạnh phúc hơn khi biết rằng chương trình đã chăm lo cho 1.400 bạn có hoàn cảnh khó khăn với trị giá hơn 2,7 tỷ đồng.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: