Thứ ba, 12/12/2023 19:30 (GMT+7)

Những năm gần đây, máy bay nông nghiệp không người lái được nông dân sử dụng phổ biến hơn trong canh tác bởi sự tiện lợi và hiệu quả của công nghệ mang lại.

Các bạn được tự tay lái máy bay nông nghiệp không người lái để thực hiện các thao tác cất hạ cánh, phun thuốc... - Ảnh: NHẬT LINH

Các bạn được tự tay lái máy bay nông nghiệp không người lái để thực hiện các thao tác cất hạ cánh, phun thuốc... - Ảnh: NHẬT LINH

Kèm theo đó là nghề mới nghe rất sang - phi công nông nghiệp. Nhiều lớp đào tạo lái UAV bài bản đã được mở ra giúp nông dân chinh phục ước mơ làm chủ bầu trời.

Phi công trẻ học lái máy bay nông nghiệp

9h sáng ngày đầu đông, nhóm 15 bạn trẻ người Ấn Độ rảo bước quanh sân Trường ĐH Nông lâm Huế rợp bóng cây xanh. Đến căn phòng không gian khởi nghiệp và giao lưu quốc tế, họ đi vào bên trong rồi ngồi xuống trật tự như chuẩn bị một tiết học trên lớp.

Hôm nay các bạn trẻ đến từ đất nước tỉ dân ấy sẽ được tham gia khóa đào tạo phi công nông nghiệp, do Công ty CP thiết bị bay Agridrone Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Nông lâm Huế tổ chức.

"Chào mừng các bạn đến với khóa đào tạo phi công nông nghiệp. Hôm nay chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn lý thuyết bay và làm quen với những máy bay nông nghiệp. Ngày mai chúng ta sẽ thực hành bay trên thực địa" - anh Hiếu Huy, người trực tiếp đứng lớp, nói.

Vì khoảng cách ngôn ngữ nên lớp học thống nhất sẽ sử dụng tiếng Anh để giao tiếp.

Mở đầu bài giảng, anh Hiếu Huy giới thiệu những lợi ích của máy bay nông nghiệp không người lái đem lại cho nhà nông. Khi làm chủ được công nghệ này, nông dân chỉ mất 5 phút là có thể phun phân bón, gieo mầm lúa trên diện tích ruộng rộng hơn 2.000m2.

Với những loại UAV cỡ lớn như DJI AGRAS T40 (chứa 40kg dung dịch phun), T30 (chứa 30kg dung dịch phun)... có thể bay phun liên tục 10 phút với nhiều loại địa hình như đồi núi trồng cây lâm nghiệp, ruộng lúa.

"Điều quan trọng nhất khi trở thành phi công đó là các bạn phải đảm bảo được an toàn bay. Không bay khi chưa có sự cho phép của lực lượng quân sự địa phương, không bay trong khu vực cấm, phi công phải cách máy bay tối thiểu 5m trước khi cất cánh...", anh Huy nói.

Mỗi học viên sau khi được đào tạo sẽ được cấp chứng chỉ phi công bay nông nghiệp của Công ty Agridrone. Học viên cũng có thể sử dụng chứng chỉ này để tham gia thêm khóa học lấy chứng chỉ quốc tế do Hãng DJI cấp để có thể trở thành giảng viên đào tạo bay.

Anh Nguyễn Khắc Chính (áo đen) với kinh nghiệm bay hàng ngàn héc ta hướng dẫn sinh viên Ấn Độ học lái

Anh Nguyễn Khắc Chính (áo đen) với kinh nghiệm bay hàng ngàn héc ta hướng dẫn sinh viên Ấn Độ học lái

Đẳng cấp phi công tính... bằng héc ta

Sau khi hướng dẫn sơ bộ về lý thuyết, Huy dẫn lớp ra sân bóng đá mini trong khuôn viên trường. Giữa sân bóng là một máy bay T30 to như cái bàn con với sáu càng cánh quạt và một thùng phuy đặt chính giữa thân.

Anh Nguyễn Khắc Chính, giảng viên thực hành bay, giới thiệu sơ qua cho các bạn trẻ Ấn Độ chiếc máy bay mà anh gọi là máy bay "bà già".

"Chiếc máy bay này đã bay hơn 20.000ha để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như phun thuốc, rải thảm hạt giống...

Máy bay này có 16 vòi phun, mỗi giờ có thể phun thuốc trên diện tích 16ha, được trang bị hệ thống radar hình cầu cảm biến mọi chướng ngại, có thể bay an toàn trong nhiều loại thời tiết", anh Chính miệt mài hướng dẫn.

Sau khi giới thiệu cơ bản các bộ phận trên máy bay, anh Chính lắp pin rồi ra hiệu cho mọi người lùi lại hơn 5m. Gạt hai cần trên bộ điều khiển xuống dưới, chiếc máy bay kêu lên hai tiếng "tít, tít" rồi bắt đầu khởi động cánh quạt, bay vút lên trời trước sự thích thú của các bạn sinh viên.

Sau khi "thị phạm" cho học viên, anh Chính cho máy bay hạ cánh nhẹ nhàng rồi đưa bộ điều khiển cho bạn sinh viên tên Karan lái thử. Cầm bộ điều khiển với chi chít nút, Karan tỏ vẻ luống cuống.

Thấy vậy, anh Chính liền tới đứng cạnh bên nói bạn sinh viên trẻ gạt hai cần điều khiển xuống bên dưới. Sau một hồi được chỉ việc trực tiếp, Karan đã khởi động và cho máy bay cất cánh, bay tới bay lùi trước sự thích thú của mọi người.

"Một công nghệ tuyệt vời, về nước, tôi sẽ tìm cách đưa chiếc máy bay này về bay trên cánh đồng quê hương tôi", Karan phấn khích nói.

Các bạn được tự tay lái máy bay nông nghiệp không người lái để thực hiện các thao tác cất hạ cánh, phun thuốc... - Ảnh: NHẬT LINH

Các bạn được tự tay lái máy bay nông nghiệp không người lái để thực hiện các thao tác cất hạ cánh, phun thuốc... - Ảnh: NHẬT LINH

Trong khi đó, anh Nguyễn Khắc Chính là một phi công có hạng ở Công ty Agridrone với hàng chục ngàn héc ta địa hình bay.

"Phi công hàng không xếp loại bằng giờ bay, còn phi công nông nghiệp như chúng tôi thì xếp loại cao thấp bằng héc ta diện tích địa hình từng bay được. Nó giống nhau ở chỗ là bay càng nhiều thì kinh nghiệm bay càng cao, gặp và xử lý nhiều tình huống hơn", anh Chính nói.

Trong đời làm phi công nông nghiệp cho UAV của mình, không ít lần anh Chính đã đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm.

Mới đây trong lần bay phun phân bón trên cánh đồng mía ở Nghệ An, máy bay anh Chính điều khiển bay vào một chùm khói đen do nông dân đốt rạ ở một cánh đồng gần đó. Máy bay mất hoàn toàn tín hiệu với bộ điều khiển.

"Bằng kinh nghiệm cá nhân, tôi tắt chế độ bay tự động để điều khiển bằng tay cho máy bay bay treo một chỗ.

Lần theo vị trí gần nhất mà máy bay gửi về bộ điều khiển, tôi chạy băng qua những cánh đồng, đến khu vực đó để tìm máy bay mà lòng chẳng yên, sợ máy bay rớt trúng đầu ai thì khổ. May mắn là máy bay vẫn đang bay treo tại chỗ, chưa bị rơi", anh Chính kể.

Theo anh Chính, máy bay nông nghiệp cũng là cả một tài sản với giá trị cả trăm hay vài trăm triệu đồng. Do vậy việc đào tạo phi công cũng phải diễn ra một cách bài bản, đầy đủ, đặc biệt phía đào tạo luôn phải cam kết hỗ trợ "cầm tay chỉ việc" cho học viên bay thành thạo trong 1.000ha đầu tiên.

Hợp tác giúp sinh viên trải nghiệm công nghệ

PGS Trần Thanh Đức, hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm Huế, cho biết ngoài Công ty CP thiết bị bay Agridrone Việt Nam, nhà trường còn hợp tác với nhiều công ty khác để giúp sinh viên trải nghiệm thực tế những việc mà các công ty đang làm trên thị trường.

"Như đào tạo nghề phi công nông nghiệp, sinh viên của chúng tôi được sử dụng trực tiếp công nghệ, thiết bị của công ty, giúp họ hiểu và hình dung ra công việc thực tế sẽ làm.

Ngoài hợp tác đào tạo sinh viên, chúng tôi cũng phối hợp các công ty để đưa công nghệ về các cánh đồng, cánh rừng trên địa bàn để giới thiệu cho nông dân", ông Đức nói.

Một nghề mới rất thịnh

Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ, tổng giám đốc điều hành Công ty CP thiết bị bay Agridrone Việt Nam, cho biết ngoài mở lớp đào tạo phi công, công ty còn mở các lớp đào tạo đội ngũ kỹ sư bảo hành, sửa chữa thiết bị bay để phục vụ nông dân.

"Hiện nhiều bạn trẻ đăng ký học nghề lái máy bay nông nghiệp để về quê mở dịch vụ bay phun thuê cho bà con, đặc biệt nghề này khá thịnh ở miền Tây bạt ngàn ruộng lúa.

Nhiều nông dân lớn tuổi cũng đăng ký học lớp lái máy bay này, sau đó về mua máy bay rồi tự bay trên cánh đồng của mình. Chỉ sau một hai vụ lúa, họ đã thu lại được vốn mình bỏ ra để đầu tư vào máy bay nông nghiệp", anh Vũ nói.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: