Gieo ước mơ trên vùng đất khó

Chủ nhật, 22/11/2020 08:11 (GMT+7)

Từ nhỏ, học trò vùng Ayun Pa (Gia Lai) được ông bà, cha mẹ dặn dò, chỉ bảo, rằng: đất khó, muốn có hạt thóc, củ mì tươi tốt, phải bỏ thật nhiều công chăm bẵm. Bài học ấy đã theo chân các bạn từ ruộng đồng, nương rẫy đến lớp, đến trường trong hành trình chinh phục giấc mơ con chữ...

Vụ mùa vừa rồi, mảnh ruộng chỉ vài trăm mét vuông mang về cho gia đình bạn Ksor H’Nhan (lớp 11 trường THPT Lê Thánh Tông, TX Ayun Pa, Gia Lai) 18 bao lúa. "Bán hết 10 bao rồi, chỉ còn lại 8 bao thôi", cô Ksor H’Điơn, mẹ bạn Nhan thật thà kể. Cô cho biết thêm, số lúa còn lại mang đi xay gạo thì đủ dùng cho cả nhà được chừng hai tháng nữa. "Sau đó cũng chưa biết tính sao", cô nói tiếp.

Khoảng thời gian ấy thường được gọi là mùa giáp hạt. Khi đó, của cải để dành từ vụ mùa cũ cạn dần nhưng vụ mùa mới chưa thể thu hoạch. Những gia đình vốn túng thiếu càng trở nên ngặt nghèo. Để xoay xở và lo chuyện học hành cho chị em Nhan, ba của bạn phải rời làng vào Bình Dương làm công nhân. Còn mẹ bạn ở lại nhà, vừa lo chuyện đồng áng của gia đình, vừa đi làm thuê cho hàng xóm.

Có ba mẹ lo đã vậy với những người bạn mồ côi như Ksor Gồ (lớp 12 trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Ia Pa, Gia Lai) thì càng vất vả hơn. Ba mất sớm, mẹ có gia đình mới, ba anh em cậu học trò người Giarai này nương tựa cùng nhau trong ngôi nhà nhỏ được chính quyền địa phương và mạnh thường xây tặng. Trong nhà không có nhiều vật giá trị. Gồ thường để tập sách xuống nền xi măng mỗi khi học, làm bài. Cậu bạn bảo, ngồi học kiểu này hay đau lưng và... dễ buồn ngủ. Nhưng biết làm sao hơn khi anh chị đều khó khăn, lại nuôi con nhỏ nên bạn không đành lòng trút thêm gánh nặng...

Là chị cả trong nhà, hơn ai hết, Ksor H’Nhan thấu hiểu nỗi vất vả của ba mẹ. Bạn luôn cố gắng đảm đương công việc để đỡ đần phần nào. Một buổi đi học, một buổi bạn đi chăn bò thuê. Người ta đưa bò giống cho gia đình bạn nuôi và trả công chăm sóc bằng bò con. Tranh thủ lúc bò ăn cỏ, bạn đi hái rau, câu cá dọc con suối gần đó làm thức ăn cho gia đình. Nghỉ hè hay chủ nhật, bạn theo mẹ đi làm cỏ, nhổ củ mì thuê. Nhan không ngại làm bất cứ việc gì. Vì bạn biết chỉ có như vậy mới có thể giảm bớt lo âu cho ba mẹ mỗi khi đến mùa giáp hạt và nhất là không để bản thân phải dở dang việc học.

Tương tự như Nhan, Gồ cũng làm đủ thứ việc. Không chỉ phụ anh chị chăm lo ruộng rẫy của gia đình, cậu bạn còn nhổ mì, làm cỏ, chăn bò, nhặt dưa mướn. Tiền công có được, Gồ để dành mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đóng tiền học và phụ anh chị trang trải chi phí sinh hoạt. Cậu bạn khoe, hè vừa rồi, đi làm, dành dụm được 500.000 đồng, bạn quyết định "hùn" với anh rễ mua dê nuôi. Gồ tính toán, nuôi bò cần vốn lớn, rồi phải chăn ở xa, không tiện cho việc học. Trong khi nuôi dê vốn ít hơn, có thể nuôi trong chuồng trại gần nhà nên thuận lợi hơn với một học trò như bạn.

Những chú dê "hùn vốn" là cách để Gồ chuẩn bị hành trang vào trường cao đẳng nghề, nơi bạn bắt đầu thực hiện ước mơ trở thành một kỹ thuật viên sửa chữa ô tô. Còn với Nhan, ước mơ lớn nhất của bạn chỉ đơn giản là được tiếp tục đến trường, có được một công việc nuôi sống bản thân và gia đình. Và đó cũng là ước mơ của nhiều học trò ở thị xã Ayun Pa và các huyện Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam năm 2020 của báo Mực Tím.

THANH TRUYỀN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: