avatar ĐẶNG HỒNG THẮM - QUẾ TRÂN

Thứ bảy, 11/03/2023 15:43 (GMT+7)

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 đã gần kề. Đối mặt với việc chọn ngành, chọn trường, sĩ tử 2K5 có nhiều mối bận tâm và nỗi lo khác nhau.

Đủ kiểu lo khi chọn ngành, chọn trường

"Mình thích hợp với ngành nghề nào? Gia đình có ủng hộ mình theo đuổi ngành đó không? Trường đại học mình chọn chất lượng đào tạo ra sao? Học phí như thế nào? Điểm tuyển sinh là bao nhiêu?...Đó là những câu hỏi khiến nhiều bạn không khỏi băn khoăn, lo lắng khi chọn ngành, chọn trường.

Bạn Phúc Đạt (lớp 12, trường THPT Củ Chi, TP.HCM) kể về những áp lực mình gặp phải: “Mình có nguyện vọng thi vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), gia đình cũng ủng hộ nhưng trong lòng ba mẹ hơi luyến tiếc bởi suy nghĩ "nhất y, nhì dược".

Mình biết hiện nay một số gia đình và giáo viên vẫn còn tư tưởng áp đặt con cái, học sinh chọn ngành này, trường kia, vô tình khiến các bạn không được tự do theo đuổi ước mơ. Mình mong cha mẹ và thầy cô sẽ vừa định hướng, vừa lắng nghe để thông cảm nhiều hơn, giúp các bạn có động lực, không bị quá tải hay gặp phải tiêu cực”.

Nhiều sĩ tử 2k5 đang có... nỗi lòng không biết tỏ cùng ai! Minh họa: Quế Trân

Bên cạnh những rối ren trong việc chọn trường, chọn nghề, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cũng đang là mối bận tâm lớn của đại đa số sĩ tử. Thứ nhất, các bạn cảm thấy mông lung vì chưa thật sự biết bản thân phù hợp với ngành nghề nào để theo đuổi đến cùng. Thứ hai, các bạn lo sợ thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt trong tương lai, còn bản thân mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến việc phải làm trái ngành, thậm chí là... thất nghiệp.

Bạn H.Nam (lớp 12 trường Trung học Thực hành, Đại học Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Mình không những áp lực về mặt điểm số mà còn áp lực nhiều thứ khác như ngành mình chọn sau này ra trường có việc làm hay không, lỡ như học xong đại học rồi thất nghiệp thì mình không biết nên làm gì tiếp theo”.

“Bây giờ ngành mình chọn đang hot nhưng mình vẫn lo 4 năm sau ra trường, xã hội có nhiều thay đổi, nhu cầu tuyển dụng trong ngành không còn cao nữa” - Minh Thư (lớp 12, trường THPT Trung Phú, TP.HCM) tâm sự.

Những câu hỏi cho chính bạn!

Trước những âu lo của các teen 2K5 về việc chọn trường, chọn ngành, đặc biệt là nỗi lo thất nghiệp, TS tâm lí Đào Lê Hòa An chia sẻ:

Thời điểm hiện tại xã hội có hơn 10.000 đầu việc, nhưng số nghành nghề được đào tạo tại các trường đại học chỉ là 400, cao đẳng là 600 và trung cấp nghề là 800. Những con số này chứng minh điều gì? Không phải bạn học ngành nào là ra trường sẽ làm đúng ngành đó và chỉ làm việc trong ngành đó. Đừng tự gò bó mình như thế!

Thực chất, học đại học là cơ hội để bạn rèn luyện tư duy tiếp cận công việc và hoàn thiện các kỹ năng làm việc. Một khi đã có tư duy và kỹ năng, tự động bản thân bạn sẽ biết cách xoay sở sau khi ra trường. Đặc biệt, đây cũng là khoảng thời gian để bạn khám phá tiềm năng bản thân, phát huy tiềm năng đó và tìm cách ứng dụng nó vào công việc cũng như cuộc sống sau này.

Hãy tự hỏi mình một vài câu hỏi sau: Việc nào tôi làm giỏi nhất? (nghĩa là bạn tận dụng tối đa năng lực, khả năng mình có để làm nó); Việc nào khiến tôi làm quên ăn quên ngủ? (nghĩa là bạn thực sự đam mê, yêu thích nó); Nhu cầu của thị trường lao động như thế nào? (nghĩa là bạn phải lường trước những ngành nghề có khả năng bị chi phối nhiều bởi máy móc, công nghệ trong tương lai, điển hình nhất là những việc tay chân, lặp đi lặp lại theo quy trình).

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: