Gen Z và giấc mơ mang truyện cổ tích Việt ra thế giới...

Thứ tư, 12/04/2023 15:04 (GMT+7)

Sở hữu điểm IELTS 8.5, xuất bản cuốn sách đầu tiên năm 17 tuổi, hiện Ngũ Tô Duy (SN 2003, sinh viên VinUniversity) đang nỗ lực thực hiện giấc mơ mang truyện cổ tích, văn hóa Việt ra thế giới.

NÂNG TRÌNH TIẾNG ANH NHỜ… LÀM “HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH”

Sở hữu năng lực ngoại ngữ ấn tượng, Ngũ Tô Duy cho biết quá trình học tiếng Anh đến với cậu rất tự nhiên. Từ cấp một, Duy đã có niềm đam mê với văn hóa, đặc biệt là truyện cổ tích, truyền thuyết nước ngoài. Tìm đọc một số ấn phẩm tại Việt Nam nhưng rồi cậu nhận ra nó chưa đủ để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân. Chính vì thế, Duy đã cố gắng tìm thêm những nguồn sách nước ngoài. Trong quá trình này, cậu cố gắng học thêm tiếng Anh để có thể dễ dàng đọc những quyển sách.

Cậu cho biết: “Có một thời gian mình rất thích lên hồ Hoàn Kiếm chơi với bạn bè. Trong một lần đi chơi, mình thấy rất nhiều du khách nước ngoài, họ nhìn vào những di tích như cầu Thê Húc, tháp Bút và đặt một số câu hỏi với nhau: Đây là cái gì nhỉ? Mình mới hăng hái chạy đến, bắt chuyện với họ và cho họ biết những ý nghĩa, câu chuyện về lịch sử, văn hóa của nơi ấy. Ban đầu, nó chỉ là một phản xạ, muốn được kể một câu chuyện thôi. Nhưng dần dần, mình thấy rằng việc này không chỉ giúp khá tiếng Anh mà còn giúp mình kể thêm một chút về văn hóa của nước mình đến du khách nước ngoài nữa. Cứ thế, qua sự rèn luyện và những cơ hội mà mình có được, hành trình học tiếng Anh của mình diễn ra khá tự nhiên”.

XUẤT BẢN SÁCH KHI 17 TUỔI

Năm 17 tuổi, Tô Duy là dịch giả cuốn sách Steal Like an Artist (Nghệ thuật “đánh cắp” ý tưởng). Trong thời gian tìm kiếm đơn vị phát hành sách để hợp tác, Duy đã gửi đến Alpha Books một lá thư, gồm hồ sơ và nguyện vọng của bản thân. Trong thư, cậu bày tỏ mong muốn trở thành một dịch giả. Sau khi hoàn thành một số thủ tục để đánh giá về khả năng dịch thuật, cậu được “chốt đơn” hợp tác để cho ra lò quyển sách.

Quyển sách đầu tiên Tô Duy làm dịch giả

Quá trình cho ra đời cuốn sách có khá nhiều khó khăn. Duy cho biết: “Để truyền tải đúng thông điệp của tác giả đòi hỏi trình độ tiếng Anh và kĩ năng về văn phong tiếng Việt tốt. Mình đọc những cuốn sách có cùng chủ đề và học những phương pháp mà những vị tiền bối trước đây họ dịch ngữ cảnh thế nào qua tiếng Việt. Qua đó, mình học được cách diễn đạt mang tính hàn lâm và sát nghĩa hơn. Song song với đó, trong quá trình dịch, mình có gửi một số đoạn ngắn để anh chị tại đơn vị phát hành sách, bạn bè đọc qua và cho nhận xét để cho ra đời bản dịch chất lượng, sát nghĩa và thú vị nhất”.

Thời điểm ấy, Duy đang là học sinh lớp 12. Song song với việc chuyên tâm dịch sách, cậu bạn còn đảm nhiệm vị trí quan trọng trong hoạt động ngoại khóa và giữ vững thành tích học tập tại lớp.

“Thời gian đó rất stress với mình. Mình đã phải quản lí thời gian, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lí. Rất may mắn là mình đã xuất bản thành công quyển sách vào tháng 1/2021, tổ chức giải tranh biện với tầm cỡ kỉ lục và mình vẫn giữ vững điểm trung bình trên lớp”, Duy chia sẻ.

MANG CỔ TÍCH VIỆT RA THẾ GIỚI

Ngoài dịch sách, Tô Duy còn là “chủ xị” của dự án viết sách tiếng Anh Fairytales without Borders (Cổ tích không biên giới). Tháng 3/2021, Duy thành lập Translation Kingdom - câu lạc bộ dịch thuật Vinschool toàn quốc. Câu lạc bộ có 60 thành viên, chia làm 5 ban khác nhau: Marketing, design, chuyên môn Anh, nhân sự và đối ngoại.

Chia sẻ về lí do ra đời dự án, Duy cho biết: “Mình thấy rằng, những câu chuyện cổ tích của Andersen, truyện cổ Grimm trên toàn cầu ai cũng biết đến, nhưng những cổ tích Việt như Thánh Gióng, Thạch Sanh, Tấm Cám cũng hay không hề kém mà lại chưa được nhiều bạn bè quốc tế biết đến và đón nhận. Mình muốn thông qua những câu chuyện cổ tích bằng tiếng Anh được viết trong cuốn sách sẽ được bạn bè biết đến và yêu thích nó như cách mà chúng mình yêu thích vậy”.

Sau những buổi talkshow, workshop của câu lạc bộ, dự án nhận về 124 truyện cổ tích từ các bạn. Qua quá trình chọn lọc kĩ lưỡng đã chọn ra 30 truyện hay nhất để cho vào cuốn sách.

“Các bạn tham gia dịch đều được tham gia workshop để học các kĩ năng dịch thuật. Chất lượng bản dịch luôn được ưu tiên hàng đầu. Tác giả cuốn sách phần lớn có độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 11, vì vậy cũng cho ra sự đa dạng về góc nhìn cũng như phong cách viết khác nhau. Về tính chuyên môn của quyển sách, bọn mình được bảo trợ chuyên môn bởi đội ngũ kiểm định của Alpha Books”, Duy nói thêm.

Sau Cổ tích không biên giới, hiện dự án vẫn đang tiếp tục thực hiện phần 2 của quyển sách, mở ra cơ hội cho các bạn tiếp tục được trải nghiệm dịch thuật, viết lách và mang thêm nhiều câu chuyện cổ tích Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, dự án tiếp tục ấp ủ để cho ra đời cuốn sách Culture without Borders (Văn hóa không biên giới). Đó là những tác phẩm viết về những nét văn hóa địa phương đặc sắc, vẽ nên bức tranh văn hóa của nước Việt theo một cách giản dị và chân thật nhất.

DUY DƯƠNG - Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: