Gen Z siêng đi chợ đồ cổ, sở hữu bộ sưu tập "hàng hiếm"

avatar VĂN HÀO

Thứ năm, 12/10/2023 10:38 (GMT+7)

TP.HCM có một khu chợ là điểm hẹn quen thuộc của nhiều gen Z yêu thích tìm tòi, sưu tập đồ cổ. Đó chính là Cà phê Chợ Đồ Cổ (quận Bình Thạnh).

Độc lạ cà phê Chợ đồ cổ

Cà phê Chợ Đồ Cổ là mô hình quán cà phê kết hợp phiên chợ đồ xưa. Đây là điểm hẹn của những ai có đam mê sưu tầm đồ cổ đến giao lưu, trao đổi, mua bán hoặc “khoe” những món đồ mình sưu tầm được. Trong những người đến đây, có khá nhiều gen Z.

Tuy gọi là “chợ” nhưng nơi đây không xô bồ, vội vã mà mang hơi thở hoài niệm, ký ức thân thương. Đó là nơi trưng bày những chiếc bàn ủi con gà, đồng hồ quả lắc, đèn Măng-xông, lon Guigoz, tiền cổ, xe Mobylette…

Gen Z "đi chợ" mua đồ cổ - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ đến tham quan khu chợ - Ảnh: NVCC

Chị Ngọc Ngân (quản lý truyền thông quán Cà phê Chợ Đồ Cổ) cho biết quán được mở ra nhằm lan tỏa không gian hoài niệm đến nhiều người.

“Có nhiều hình thức mình chọn để lan tỏa. Đó có thể là câu chuyện được kể từ các tiểu thương, chuyện những người đến chợ mua bán và tìm lại ký ức, chuyện những bạn trẻ yêu văn hóa, lịch sử …Tất cả đều được mình chia sẻ lên fanpage của Cà phê Chợ Đồ Cổ”.

Gen Z "đi chợ" mua đồ cổ - Ảnh 2.

Không gian tại Cà phê Chợ Đồ Cổ - Ảnh: NVCC

Cà phê Chợ Đồ Cổ mở cửa cả tuần. Riêng thứ bảy sẽ tổ chức ngày hội xe cổ quy tụ hàng chục chiếc xe độc, lạ gắn liền với các giai đoạn lịch sử.

Là người trẻ say mê đồ cổ, bạn Thạch Phước Thuận (18 tuổi, TP. Thủ Đức) rất thích check-in trên chiếc cầu Hội An tại chợ. Phước Thuận chia sẻ: “Chiếc cầu bắc qua phiên chợ, nối liền hai sảnh nhà. Đặc biệt, tại đây tái hiện phố cổ Hội An như thật, với những giàn bầu, giàn bí, ngôi nhà ngói đỏ nghiêng che… nên mình rất thích”.

Không chỉ check-in, nhiều bạn trẻ đến Cà phê Chợ Đồ Cổ để tìm lại những món đồ xưa.

Hoàng Yến (20 tuổi, TP.HCM) đến chợ để tìm mua vòng cẩm thạch tặng mẹ. Bạn chia sẻ: “Tuy những món đồ này không thời thượng, nhưng chúng giúp gợi lại kỉ niệm xưa. Mình tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch vì muốn giúp mẹ nhớ về những chiếc vòng đá của bà ngoại tặng”.

Nếu muốn đến đây trải nghiệm, teen chúng mình lưu ý vé vào cổng Cà phê Chợ Đồ Cổ là 40 ngàn đồng bao gồm một phần thức ăn, thức uống tại quầy và thưởng thức âm nhạc vào dịp cuối tuần.

Chàng trai gen Z sưu tập đồ cổ để học lịch sử

Bạn Trần Bảo Long (sinh năm 2003, TP.HCM) đã có hơn 5 năm sưu tầm đồ cổ. Bảo Long cho biết, đây là cách để bạn theo đuổi đam mê học lịch sử của mình.

Gen Z "đi chợ" mua đồ cổ - Ảnh 3.

Bạn Bảo Long - Ảnh: NVCC

Ngay từ nhỏ, Bảo Long đã thích những gì liên quan đến lịch sử. Long thường đọc sách, xem phim và sưu tầm truyện tranh về lịch sử.

Lên lớp bảy, Long bắt đầu tò mò về những kỷ vật lịch sử sau khi xem những bộ phim về đề tài chiến tranh. Chính vì vậy Long đã dành ra hai năm để nghiên cứu về cổ vật ở Việt Nam. Sau đó Long chuyển hướng sang nghiên cứu thêm cổ vật của giới quý tộc Châu Âu.

Được một người bạn giới thiệu quán Cà phê Chợ Đồ Cổ, Long đến và nhận ra nơi đây dường như là thế giới dành cho mình. Bạn mê mẩn trước vẻ đẹp của những đồng tiền, huân chương cổ, đồng hồ, cà rá đến những con tem…

Lên cấp ba, Bảo Long chính thức bắt tay vào sưu tập đồ cổ. Đây cũng là giai đoạn sưu tầm đồ cổ mạnh mẽ nhất của Long. Thời điểm này, cậu bạn đã sở hữu cho mình những món đồ cổ đầu tiên như: nón sắt, bộ tem cô Ba Thiệu, các loại tiền thời Đông Dương...

Hiện tại, Bảo Long lưu giữ hơn 80 tờ tiền cổ, 50 con tem, huân chương và các kỷ vật khác. Trong đó, tờ tiền 100 Piastres Viện Phát Hành 1954 là tờ tiền “đắt giá” nhất mà Long sở hữu. Bảo Long kể: “Tờ tiền này mình mua lúc còn là học sinh. Nó có giá 1 triệu 200 ngàn đồng. Mình đã để dành đến ba tháng mới đủ tiền sở hữu nó. Phía mặt sau in chân dung vua Bảo Đại chính là lý do để mình quyết tâm mua tờ tiền này”.

Gen Z "đi chợ" mua đồ cổ - Ảnh 4.

Bộ sưu tập tem hình vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long - Ảnh: NVCC

Đang học ngành Môi trường nhưng Long chọn cách sưu tầm đồ cổ để thỏa mãn đam mê. Bảo Long cho biết, mỗi món đồ cổ đều được bạn tìm hiểu rất kỹ về bối cảnh ra đời, câu chuyện hay các giai thoại xoay quanh món đồ ấy.

Gen Z "đi chợ" mua đồ cổ - Ảnh 5.

Bộ sưu tập tem hình cô Ba Thiệu của Bảo Long - Ảnh: NVCC

“Ví dụ như chiếc nón sắt, ngoài tìm hiểu những tính năng, thông số, chức năng, mình còn biết được chiếc nón sắt gắn liền với người dân thập niên 70, 80. Từ đó, mình có thể nghiên cứu sâu thêm về đời sống của người dân miền Nam trong giai đoạn đó.

Hay bộ tem cô Ba Thiệu, chân dung của cô được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng có ở Đông Dương. Cô là phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện trên con tem”, Long kể.

Khi thấy việc sưu tầm đồ cổ cũng là một cách để Bảo Long học lịch sử, gia đình bắt đầu tạo điều kiện và rất tự hào về bộ sưu tập của cậu bạn. Ba mẹ còn thường xuyên mang những món đồ cổ của Bảo Long khoe mọi người.

Hiện tại, bên cạnh việc học, Bảo Long đi làm thêm để có thu nhập phục vụ cho đam mê sưu tập đồ cổ của mình.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: