Gen Z chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng những dự án thú vị

Thứ tư, 26/10/2022 18:06 (GMT+7)

3 trong số 8 sinh viên vừa nhận Học bổng toàn phần của Trường Đại học RMIT Việt Nam tích cực hỗ trợ các vấn đề sức khỏe tinh thần cộng đồng bằng những dự án thú vị.

Unfold the V

Founder Unfold the V (tạm dịch: đưa ra ánh sáng những sự thật trần trụi ở Việt Nam) Đặng Hoàng Bảo Trâm đã tạo ra được tác động ý nghĩa khi dành ra hai năm trung học để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sức khỏe tinh thần.

“Từ nhỏ tới lớn tôi chưa thực sự chứng kiến ai đó có vấn đề về sức khỏe tinh thần nên không bao giờ thật sự để tâm. Chỉ đến khi nhận được một lá thư ẩn danh gửi đến Unfold the V, trong đó người gửi tự trách cứ bản thân vì bị trầm cảm, tôi mới nhận ra tính chất phức tạp của các chứng bệnh tâm lý” - cô bạn chia sẻ.

Nhìn chằm chằm vào lá thư trên tay, cô gái trẻ sống ở TP. Hồ Chí Minh tự nhủ, “còn gì tệ hơn khi một người bị bệnh tâm lý tự căm ghét bản thân họ?”. Khoảnh khắc đó khiến Trâm quyết định dành thời gian tìm hiểu sâu về trầm cảm.

Đặng Hoàng Bảo Trâm, sinh viên nhận Học bổng toàn phần Trường Đại học RMIT Việt Nam.

Trâm cùng nhóm điều hành Unfold the V đã lên kế hoạch và tổ chức một buổi diễn thuyết với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm cũng như các KOL có tiếng tăm. Sự kiện thu hút được khoảng 300 khách tham dự với độ chủ động tương tác cùng diễn giả rất khả quan. Thành công của sự kiện còn khai sáng Trâm, cho cô thấy một hướng tiếp cận khác giúp duy trì độ tương tác và tham gia của những người ghé thăm trang Facebook của Unfold the V.

“Chỉ trong hai ngày, chùm truyện tranh Blame Your Brain (tạm dịch: Tại não của bạn đó) đã gặt hái được thành công với gần 11.000 lượng truy cập và nhận được nhiều phản hồi tích cực”, Trâm phấn khởi chia sẻ. “Từ thành công bước đầu đó, tôi càng mong muốn tạo ra những mẩu truyện hấp dẫn hơn để có thể tiếp cận với nhiều cá nhân đang phải vật lộn với vấn đề tâm lý trong cộng đồng”.

Đom Đóm

Tân sinh viên ngành Khoa học ứng dụng (Tâm lý học) Lê Ngọc Linh Anh thấu cảm sâu sắc với áp lực mà các bạn trẻ đang phải đối mặt hiện nay. “Năm học lớp 8, tôi bị chẩn đoán mắc trầm cảm”, Linh Anh chia sẻ. “May mắn thay, tôi có một người mẹ hiểu chuyện và hết lòng hỗ trợ tôi. Kể từ đó, tình trạng tâm lý của tôi đã chuyển biến tốt, cải thiện sự tự tin, và tôi bắt đầu khát khao cháy bỏng muốn hiểu thấu tâm lý con người và mong muốn giải quyết một thực tế không may là nhiều người trưởng thành ở Việt Nam xem nhẹ hiểu biết về sức khỏe tinh thần.

Lê Ngọc Linh Anh nhận học bổng tại buổi lễ diễn ra ở cơ sở Hà Nội, RMIT Việt Nam.

Linh Anh hứng khởi chia sẻ về Đom Đóm, một trong những sáng kiến của cô cùng một số bạn học sinh, sinh viên ở Hà Nội, với mong muốn gia tăng kiến thức cho cộng đồng về ba chủ đề chính: bản dạng giới, xã hội và nữ quyền. “Dẫu được khởi xướng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội do COVID-19, sáng kiến vẫn thu hút 48 thanh thiếu niên tuổi từ 14 đến 20 tham gia, nhận được 1.500 lượt thích và 2.000 người theo dõi từ hoạt động đăng tải thông tin trên các kênh mạng xã hội, gồm Facebook và Instagram”, Linh Anh chia sẻ.

TRẦM

TRẦM là dự án do "tân binh" ngành Truyền thông chuyên nghiệp Hồ Ngọc Yến Uyên khởi xướng, với mục tiêu giúp thế hệ trẻ thay đổi suy nghĩ về sức khỏe tinh thần. Uyên từng bị sốc khi lúc nhỏ từng tình cờ biết một người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần và điều này khiến bạn tự hỏi: “Tại sao mọi người sẽ cảm thông và giúp đỡ một người bị chấn thương về thể chất nhưng sẽ chỉ trích một người gặp vấn đề về tâm lý?”. “Nếu nhận ra các dấu hiệu trầm cảm sớm hơn, liệu tôi có thể ngăn cản việc ấy không?”, Uyên nhớ lại.

Hồ Ngọc Yến Uyên nhận học bổng tại buổi lễ diễn ra ở cơ sở Nam Sài Gòn, RMIT Việt Nam,

Quyết tâm của cô gái trẻ chuyển hóa vào TRẦM, với khởi đầu thuận lợi thu hút 73 thành viên và 6.400 người hỗ trợ trực tuyến. "Tuy nhiên, sau một năm, nhóm của tôi phải đối mặt với các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội chỉ trích rằng dự án đang thổi phồng vấn đề lên”, Uyên chia sẻ. “Nhóm chúng tôi phải liên hệ với các nhà tâm lý học trị liệu để tham vấn và cuối cùng kết luận vấn đề chính ở đây là người ta không nhìn thấu được nỗi đau tinh thần của người bị trầm cảm, nên họ xem các hành vi liên quan tới trầm cảm là phản ứng thái quá”.

Chính vì vậy, nhóm thử hình ảnh hóa những căn bệnh tâm lý qua triển lãm 3D nghệ thuật trực tuyến về trị liệu tinh thần, với hy vọng thuyết phục mọi người về sự tồn tại của những nỗi đau vô hình. Cách tiếp cận mới mà nhóm Uyên đưa ra đã thu được thành công với mưa lời khen từ 458 khách tham quan triển lãm trực tuyến. Từ thay đổi tốt đẹp này, cô gái trẻ Cần Thơ nhận ra tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết sâu sắc về đối tượng khán giả mà mình nhắm đến. “Điều này hướng tôi tới việc đào sâu tìm hiểu các nguyên lý truyền thông khác mà tôi còn chưa biết để đẩy mạnh dự án của mình hơn nữa”, Uyên chia sẻ.

MINH MINH

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: