Đừng chủ quan khi chơi thể thao

avatar BS ĐỖ MINH TUẤN

Thứ sáu, 16/12/2022 12:30 (GMT+7)

Sự cố một học sinh trung học tử vong khi tham gia thi chạy cự li 200m ở trường một lần nữa đánh động về vấn đề đột tử trong thể dục - thể thao ở lứa tuổi học sinh.

* Nguyên nhân đột tử trong thể thao ở tuổi học sinh?

- Tử vong đột ngột thì thủ phạm hàng đầu là bệnh lí tim mạch (cơ tim phì đại, cơ tim loạn nhịp, mạch vành...), kế đến là hô hấp (hen suyễn), đột quỵ (cao huyết áp), thần kinh (động kinh), chuyển hóa (hạ natri huyết), sốc nhiệt...

Trong đó, tim mạch đứng sau hầu hết các ca đột tử trong thể thao nên mọi biện pháp phòng ngừa đều xoay quanh bệnh này. Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp đột tử trong thể thao học sinh biết có bệnh thì ít còn đa phần trông rất khỏe mạnh.

* Vì sao khỏe mạnh vẫn đột tử?

- Phần lớn vì đó là sự khỏe mạnh không thật. Nhiều học sinh bị che giấu, hoặc vì không biết mình có bệnh, nghĩ là bệnh nhẹ, hoặc không biết đó là bệnh có thể chết người. Ngoài ra một số bất ổn tim mạch (khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh) khá nhẹ nhàng lúc vận động nhẹ, nhưng khi gắng sức, chúng lại bất thần bùng nổ gây ngưng tim, đột tử.

* Nhưng nhiều bạn trước đó vẫn vượt qua tốt các cuộc khám sức khỏe?

- Chuyện này có thể do có một số bất thường tim mạch chỉ chịu bộc lộ khi gắng sức, còn khi nghỉ ngơi, chúng lại khá hiền lành. Những cuộc kiểm tra sức khỏe thường được thực hiện lúc ngồi yên nên không phát hiện ra điều bất thường. Muốn phát hiện phải thực hiện các nghiệm pháp gắng sức, như đo huyết áp gắng sức, điện tim đồ (ECG) gắng sức....

* Chỉ khi chơi các môn thể thao nặng mới gây đột tử?

- Đáng lo hơn cả là các môn gắng sức (bóng đá, bóng rổ, điền kinh, đặc biệt chạy nước rút 100m, 200m), rồi đến các môn đối kháng, cạnh tranh cao. Thể thao đôi khi không có lỗi, lỗi do nạn nhân tự gây nguy hiểm cho mình, như thấy khó thở, đau ngực vẫn cố chơi hết hiệp, hết giờ; đêm trước mất ngủ hôm sau vẫn chơi thể thao nặng... Chưa kể nhiều bạn bị say nắng, sốc nhiệt do đá bóng, chạy nước rút giữa trời nắng chang chang.

• Làm sao phòng tránh sự cố?

- Việc phòng tránh đột tử trong thể thao học sinh cần sự tham gia của học sinh lẫn nhà trường, gia đình. Theo đó, việc phòng ngừa được phân thành hai trường hợp:

1. Học sinh biết có bệnh trong danh sách đột tử thể thao

+ Phía học sinh:

- Báo cho nhà trường, phòng y tế, giáo viên thể dục, huấn luyện viên... tình trạng của mình.

- Mang theo thuốc, thiết bị cấp cứu (hạ huyết áp, loạn nhịp, chai xịt suyễn) khi chơi thể thao. Nói cho người xung quanh biết nơi cất giữ chúng.

- Không phải có rủi ro đột tử là không được chơi thể thao, nhưng kiêng dè vẫn hơn.

- Từ chối những gắng sức không cần thiết, bị ép uổng (phương pháp tập luyện hà khắc, bị phạt hít đất, chạy vài vòng sân...).

+ Phía nhà trường:

- Phòng y tế, giáo viên thể dục, huấn luyện viên... phải nắm và cập nhật học sinh gặp vấn đề sức khỏe.

- Chuẩn bị phương tiện cấp cứu tại chỗ và di động. Báo cho học sinh, người phụ trách chỗ cất và phương tiện nào có sẵn.

2. Học sinh không biết mình có bệnh, hoặc không đánh giá đúng bệnh Những trường hợp “khỏe mạnh ảo” khó cho học sinh lẫn nhà trường, nhưng không phải không có cách.

+ Phía học sinh:

- Phát hiện những dấu hiệu có vấn đề khi còn trong “trứng nước”.

- Để ý những dấu hiệu tim mạch đáng ngờ (mệt mỏi, khó thở, đau ngực, đánh trống ngực, cảm giác tim bị hẫng hụt, nhịp tim bị bỏ qua đôi ba nhịp, xây xẩm, ngất xỉu...) khi hoạt động thể chất (thể dục, thể thao, sinh hoạt thường ngày), bất kể nặng nhẹ, tốt hơn cả là từ hoạt động gắng sức.

- Có thể tự làm “nghiệm pháp gắng sức” như chạy máy chạy, leo cầu thang. Cần cẩn thận, tốt nhất có người lớn theo dõi.

- Nhiều dấu chứng tim mạch, hô hấp nguy hiểm có thể “giấu” trong cơn ngất xỉu, trong khi triệu chứng này hay bị nhầm là bệnh giả đò, hysteria...

- Cho cha mẹ, nhà trường biết những “nghi ngờ”, không tài khôn tự đánh giá chúng.

- Báo cho nhân viên y tế những dấu hiệu trên trong các cuộc khám bệnh, khám sức khỏe tại trường.

- Dù khỏe mạnh hay không, để phòng bất trắc, phải luôn thực hiện các môn tập theo ba giai đoạn: khởi động (hoạt động nhẹ/5 - 10 phút), hoạt động chính (tăng cường độ/30 - 45 phút tùy trường hợp) và xả hơi (thả lỏng/5 - 10 phút). Công thức có thể thay đổi tùy thể trạng. Mục đích tập theo giai đoạn nhằm tăng các sinh hiệu (nhịp tim, nhịp thở, tiêu thụ O2) một cách từ từ, tránh nguy hiểm cho tim.

+ Phía nhà trường:

- Sắp xếp giờ thể dục, thể thao hợp lí. Hạn chế những gắng sức quá sức học sinh, không đặt nặng thành tích, điểm số làm khổ học sinh.

- Nếu được, tổ chức tầm soát tim mạch học sinh, có sẵn máy đo điện tim (ECG) tốt hơn cả.

- Sẵn sàng tủ cấp cứu tai biến thể thao. Tập huấn nhân viên phụ trách y tế các biện pháp sơ cứu ngừng tim, đột tử.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: