Công dân số: Lên mạng gặp kẻ biến thái đối đầu thế nào?

Thứ bảy, 20/04/2024 16:42 (GMT+7)

Vừa qua, một bạn nữ sinh lớp 6 ở Đà Nẵng bị người khác cắt, ghép ảnh khỏa thân. Bạn ấy đã báo gia đình và mọi chuyện tạm dừng.

Công dân số: Lên mạng gặp kẻ biến thái đối đầu thế nào?- Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

Tuy nhiên, trước đó, khi lên mạng, bạn ấy đã cung cấp email, trò chuyện với người lạ và bị đối tượng gửi những link truyện tranh đồi trụy, dụ dỗ bạn đọc và kể cho chúng nghe. Tranh thủ lúc nói chuyện, đối tượng đã quay lại màn hình của bạn ấy để ghép thành một đoạn chat sex.

Để tránh bị rơi vào trường hợp như bạn gái trên, các bạn nên làm gì?

Phóng viên Khăn Quàng Đỏ đã trao đổi với Ths. NGUYỄN HẢI ANH - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) về sự việc này. Đây là một số ý kiến tư vấn của cô, bạn tham khảo nhé!

Lưu ý 4K khi lên mạng kết bạn

Bên cạnh những lợi ích to lớn thì Internet cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với trẻ em. Có nhiều kẻ xấu lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm pháp như: bắt nạt, nói xấu, lừa đảo, tống tiền, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, khiêu dâm...

Bạn gái bị cắt ghép ảnh khỏa thân vừa rồi chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân đã bị chúng nhắm tới. Cũng may, bạn ấy đã nói với ba mẹ và kịp thời trình báo với cơ quan Công an nên hậu quả chưa đến nỗi quá nghiêm trọng.

Còn rất nhiều bạn khác (cả nam và nữ) đã bị kẻ xấu tiếp cận, giả vờ yêu đương. Sau đó, kẻ xấu có thể gửi cho các bạn xem những hình ảnh, clip có nội dung liên quan tới tình dục.

Có kẻ còn dụ dỗ các bạn chụp ảnh nhạy cảm, quay clip mô tả các hành vi thủ dâm, quan hệ tình dục gửi cho chúng. Có thể chúng sẽ sử dụng các video, hình ảnh đó để sản xuất các ấn phẩm khiêu dâm.

Thậm chí, chúng còn dùng chính những hình ảnh đó để gây sức ép, đe dọa, yêu cầu các bạn phải đưa tiền hoặc làm theo các yêu cầu của chúng. Nếu không, chúng sẽ phát tán các hình ảnh đó lên mạng.

Để tránh rơi vào những trường hợp như vậy, các bạn nên lưu ý 4K sau:

1. Không trả lời tin nhắn, kết bạn với người lạ trên mạng. Bạn chỉ nên kết bạn với những người mà mình quen biết ngoài đời thực như bạn học cùng lớp, cùng trường hoặc có nhiều bạn chung với mình.

2. Kiểm tra danh tính, hồ sơ của người muốn kết nối với mình trên mạng xã hội trước khi kết bạn, trò chuyện.

3. Không cung cấp địa chỉ email hay thông tin cá nhân khác của mình cho người mà mình quen biết qua mạng xã hội.

4. Không nên đăng tải thông tin cá nhân, riêng tư hay những hình ảnh hở hang, nhạy cảm hoặc đặt những nickname không phù hợp. Bởi lẽ, đó là kẽ hở để người xấu lợi dụng.

Ngoài ra, bạn nên sử dụng các công cụ “báo cáo”, “chặn”, “hủy kết bạn” khi có người nhắn tin, gửi cho mình những nội dung không phù hợp hoặc có lời lẽ đe dọa, quấy rối khiến mình cảm thấy lo lắng, bất an, không thoải mái.

Công dân số: Lên mạng gặp kẻ biến thái đối đầu thế nào?- Ảnh 3.

Hãy nói không với việc kết bạn, nhắn tin với người lạ - Ảnh được tạo bởi AI.

Nếu lỡ bị kẻ xấu giở trò trên mạng, các bạn nên làm gì?

Nếu đã lỡ kết bạn, trò chuyện với người lạ và bị họ đe dọa, khống chế, các bạn nên bình tĩnh, tuyệt đối không làm theo yêu cầu của người lạ. Đồng thời, bạn ngừng nhắn tin hoặc nhanh chóng đóng trang lại, thoát ra khỏi cuộc hội thoại. Sau đó, bạn báo ngay với ba mẹ, thầy cô hoặc một người lớn mà các bạn tin tưởng về chuyện đã xảy ra để được hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, bạn nên gọi điện cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc vào trang web của Mạng lưới Ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để báo cáo tại đường link:https://vn-cop.vn/bao-cao-xam-pham

Đang lướt mạng mà tình cờ trang hiện ra đường link quảng cáo có cảnh nóng, đồi trụy thì sao?

Khi lên mạng, các bạn rất dễ gặp phải những thông tin không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi của chúng mình như: các video, hình ảnh có tính chất khiêu dâm; nội dung/lời nhận xét có tính chửi bới, lăng mạ; hình ảnh, video, trò chơi bạo lực hoặc kích động bạo lực; thử thách nguy hiểm; đánh bạc, cá cược...

Bên cạnh đó, các thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật cũng đang được chia sẻ rất nhiều và rất khó kiểm soát trên mạng xã hội. Khi gặp phải các thông tin như vậy, các bạn cần:

1. Nhanh chóng đóng trang lại.

2. Chặn những người chia sẻ hoặc những trang có nội dung không phù hợp.

3. Báo cáo nội dung không phù hợp với những nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, YouTube sử dụng nút “cảnh báo/flags”, “báo cáo/report” ngay bên cạnh nội dung.

4. Nói với ba mẹ, thầy cô hoặc một người lớn mà bạn tin tưởng về chuyện đã xảy ra để được hỗ trợ kịp thời.

5. Gọi điện cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc vào trang web của Mạng lưới Ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để báo cáo tại đường link: https://vn-cop.vn/bao-cao-xam-pham.

Nếu thủ phạm giở trò là người dưới 16 tuổi có bị xử phạt?

Hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác; cắt ghép hình ảnh, video của người khác đưa lên mạng xã hội nhằm đưa tin sai sự thật, bôi xấu người khác; gửi, chia sẻ đường dẫn đến những thông tin khiêu dâm, đồi trụy trên mạng đều là những hành vi vi phạm pháp luật.

* Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra cho nạn nhân mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ. 

Hoặc thủ phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” (Điều 156), tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326) Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, thủ phạm còn phải đền bù tổn thất về vật chất, tinh thần cho nạn nhân.

* Trẻ em (người dưới 16 tuổi) tuy chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi nêu trên nhưng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu cố ý thực hiện hành vi khi đã đủ 14 tuổi. Ngoài ra, những bạn có những hành vi đó còn có thể bị xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế của nhà trường.

Cho dù không bị phát hiện và không bị xử phạt đi chăng nữa thì các bạn không nên đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, nói xấu, bịa đặt, trêu chọc, tiết lộ thông tin cá nhân của bạn mình lên mạng xã hội, khiến bạn mình bị tổn thương.

Các bạn hãy luôn nhớ “Điều mình không muốn người khác làm với mình thì đừng làm cho người khác”.

Bài viết được thực hiện với sự tư vấn của Ths. NGUYỄN HẢI ANH - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: