avatar DUY DƯƠNG

Thứ tư, 02/08/2023 08:48 (GMT+7)

Khi quả bóng lao tới, Trần Thị Thu Quyên (lớp 11, Trường THCS - THPT Y Đôn, Gia Lai) lao ra cản phá. Bóng đá là môn thể thao yêu thích của bạn 2 năm nay.

Ai bảo bóng đá chỉ dành cho nam?

Chiều cuối tuần, tại sân bóng An Lộc (quận 12), các thành viên Câu lạc bộ bóng đá Kun Lady vẫn hăng say tập luyện. Các bạn đang tích cực chuẩn bị cho trận chung kết giải đấu bóng đá sắp tới.

Bạn Thu Quyên cho biết, khi đến TP.HCM chơi vào dịp hè, bạn tham gia sinh hoạt ở câu lạc bộ. Thu Quyên tập chơi bóng đã lâu, nhưng hai năm trở lại đây bạn tập trung nhiều cho môn thể thao này. Trước đây, bạn tham khảo những động tác chuyên môn qua... internet.

Khi chơi bóng, thể lực là rào cản lớn nhất đối với Thu Quyên bởi bạn khá nhẹ cân. Để cải thiện điều đó, Quyên đã tập chạy bộ mỗi ngày bên cạnh việc tập bóng.

Con gái mê bóng đá thì đã sao! - Ảnh 1.

Bóng đá là môn thể thao yêu thích của Thu Quyên. Ảnh: Duy Dương

Không chỉ Thu Quyên, thể lực là vấn đề chung của các bạn nữ khi chơi bóng. Bạn Hoàng Trần Thiên Ngọc (Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên quận 12) ban đầu cũng gặp chút khó khăn về thể lực.

Cô bạn bắt đầu chơi đá bóng từ năm lớp 9. Niềm say mê với banh bóng khiến bạn chăm chỉ tập luyện mỗi ngày, tập với cả đội nam lẫn đội nữ để cải thiện năng lực.

"Mỗi ngày mình đá ít nhất hai trận. Mình đến nhiều sân để giao lưu học hỏi, với nam cũng có, nữ cũng có, Mình thích đá với nam hơn vì khi ấy mình có cơ hội cọ xát nhiều hơn", Thiên Ngọc chia sẻ.

Con gái mê bóng đá thì đã sao! - Ảnh 2.

Thiên Ngọc chăm tập luyện để cải thiện thể lực. Ảnh: Duy Dương

Ngọc tập chơi bóng mọi lúc, mọi nơi. Đợt dịch COVID-19, không thể ra sân, cô bạn tự tập ở nhà. Ngày nào bạn cũng hăng say một mình đá bóng vào tường. Ban đầu Ngọc không thuận chân trái, nhưng nhờ tập luyện nhiều nên hiện bạn đã chơi chân này khá ổn.

Vượt rào cản từ gia đình

Không chỉ vượt qua rào cản thể lực, teen nữ khi chơi đá bóng còn phải vượt qua rào cản từ gia đình. Có ông ngoại là huấn luyện viên bóng đá, từ nhỏ cô bạn Lê Hồ Anh Đào (lớp 11, Trường THPT Dương Quang Đông, Trà Vinh) đã cùng ông ra sân xem các chú luyện tập.

Con gái mê bóng đá thì đã sao! - Ảnh 3.

Anh Đào có gen chơi bóng từ ông ngoại. Ảnh: Duy Dương

Sẵn máu nhà nòi, cô bạn cũng thử tập và phát hiện mình có năng khiếu. Dù mẹ cấm cản, nhưng ông ngoại là người lén dẫn cô bạn đến sân bóng. Giờ giải lao của các chú cũng là lúc bạn Anh Đào ra sân luyện tập. Hoặc đôi khi, cả sân bóng là đội nam, chỉ có riêng cô bạn là nữ.

"Mẹ ơi, đá bóng giúp con cởi mở hơn, có thể lực và sức khỏe tốt" - qua nhiều năm, Anh Đào dần chứng minh cho mẹ thấy năng khiếu của mình. Một năm trở lại đây, mẹ bạn đã ủng hộ đam mê của bạn.

"Mình hâm mộ chị Huỳnh Như, vì chị cùng quê với mình. Chị cũng là người đã khiến mẹ mình thấy rằng con gái Trà Vinh cũng đã thành công trên sân bóng. Nhờ có chị mà mình đã thuyết phục được mẹ ủng hộ đam mê này", Anh Đào chia sẻ.

Con gái mê bóng đá thì đã sao! - Ảnh 5.

Các thành viên Kun Lady Football Club tập luyện đá bóng. Ảnh: Duy Dương

Thấy con gái dành nhiều thời gian ở sân bóng, bố mẹ của bạn Thiên Ngọc cũng ngăn cản. Bố cô bạn muốn bạn chú tâm vào học hơn, còn mẹ muốn con gái phải dịu dàng, thùy mị.

Thiên Ngọc đã tỉ tê với mẹ: "Bóng đá là đam mê của con. Mẹ yên tâm con chỉ đi đá bóng chứ không đi chơi". Rồi một hôm Ngọc chở mẹ đi xem bạn thi đấu. Mẹ thấy bạn đá tốt nên thích lắm. Từ đó, trừ những lúc quá bận thì trận cầu nào của Ngọc cũng có mẹ đến cổ vũ.

Chỉ vào những vết sẹo trên đầu gối, Ngọc tâm sự: "Là con gái nên lúc đầu mình cũng ngại sẹo, nhưng sau mình nghĩ là cầu thủ thì phải chịu thôi. Mình không coi đây là khuyết điểm, mà coi đó như bông hoa, chiến tích trên sân cỏ của mình".

Đề phòng chấn thương khi chơi đá bóng

Một trong những chấn thương thường gặp nhất khi chơi bóng là lật cổ chân. Đá bóng là môn thiên về dùng chi dưới, đặc biệt là cổ chân, vì vậy chấn thương nói trên là không tránh khỏi, nhất là trong lúc tranh chấp bóng, di chuyển chạy vị trí...

Đặc biệt, các bạn nữ thường cổ chân sẽ yếu, vì vậy cần trang bị thêm đai quấn bảo vệ mắt cá hoặc băng keo quấn cổ chân.

Chị Nguyễn Trần Ngọc Dung. Ảnh: NVCC

Các bạn cũng có thể trang bị riêng cho mình băng quấn đầu gối hoặc quần bó dài để không bị trầy xước nếu va chạm hoặc té trong lúc chơi. Với các tình huống tranh chấp hoặc cứu bóng không cần thiết, nên tập trung quan sát, phán đoán và hạn chế va chạm hết mức có thể để tránh chấn thương cho bản thân và đối phương nhé.

Các bạn hãy lắng nghe cơ thể của mình để có thể sắp xếp giờ tập phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất. Cho dù là cường độ tập luyện cao hay thấp, đừng quên điều quan trọng là khởi động làm nóng các cơ các khớp trước khi tập luyện và thả lỏng sau khi tập luyện.

Chăm sóc da khi ra sân

Nếu phải tập luyện, thi đấu dưới nắng thì bảo vệ da là điều không thể thiếu đối với con gái tụi mình. Nên chăm da trước 45 phút bằng kem dưỡng ẩm và sau đó bôi kem chống nắng. Tùy vào giờ giấc và khoảng thời gian thi đấu dưới nắng như thế nào mà mình sẽ dặm lại để kem chống nắng có hiệu quả hơn.

Lưu ý: da mặt và da cơ thể rất khác nhau, da mặt sẽ nhạy cảm hơn, nên phải dùng riêng kem chống nắng để đạt hiệu quả.

Uống nhiều nước để giúp da khỏe. Cuối cùng, bước quan trọng không thể thiếu là tẩy trang để loại bỏ bụi bẩn và thông thoáng da mặt vào cuối ngày để da không lên mụn bạn nhé.

Vào những ngày "đèn đỏ", bạn có thể chọn ra sân hoặc không tùy theo tình trạng cơ thể. Nếu ra sân, nhớ ăn uống đủ để nạp năng lượng trước khi tập luyện, thi đấu; trang bị những loại băng vệ sinh phù hợp với bản thân để vận động một cách thoải mái nhất. Tùy vào thể trạng bản thân mà vận động với cường độ phù hợp.

Cầu thủ Nguyễn Trần Ngọc Dung (Thành viên CLB bóng đá nữ Gnote FC, TP.HCM)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: