Chuyện của tuổi teen: Có nên có phòng riêng?

Thứ sáu, 15/03/2024 06:35 (GMT+7)

Một số bạn than thở không có phòng riêng. Trong khi đó, có bạn được ba mẹ tách ở phòng riêng lại phiền lòng kiểu khác. Ủa, kỳ vậy ta?

Vậy là riêng dữ chưa?

A.Hồng (lớp 9, quận 3) đang tập trung học bài thì em gái mở cửa ào vào nhảy tưng tưng nghịch phá. Lát sau, em mở điện thoại làm dáng quay TikTok đủ kiểu. Hồng lên tiếng nhắc nhở em giữ yên lặng, nhỏ đưa ra cái mặt phúng phính, nũng nịu. Ờ, cưng thì có cưng nhưng có lúc phiền lắm luôn.

Ba mẹ mới cho hai chị em phòng riêng gần đây. Lúc đầu, nghe tin này, Hồng hí hửng. Nhưng mà ở chung với nhỏ em mới biết đủ thứ chuyện.

Hồng vốn kín tiếng, ít nói, thích yên lặng. Rảnh, bạn đọc sách, tỉ mẩn vẽ tranh, làm mô hình. Trong khi đó, nhỏ em ríu rít, chót chét suốt ngày. Nhỏ cũng bày đồ lung tung khiến Hồng nổi cáu.

Hai chị em ở riêng nhưng nhiều đêm nhớ mẹ, nhỏ năn nỉ mẹ qua ngủ với con. Vậy là ở riêng dữ chưa? Hồng cho biết giờ bạn thích có hẳn một phòng riêng biệt. Như vậy, bạn sẽ có không gian riêng tư làm những gì yêu thích mà chẳng sợ nhỏ em phiền hà.

Vì sao ba mẹ chưa cho ở phòng riêng?

Ngoài điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, một số ba mẹ vẫn chưa muốn cho con ở phòng riêng, vì sao?

Theo mẹ của bạn Q.Hưng (lớp 9, quận 7) cho biết vì chưa an tâm về bạn. Hưng vốn mê game. Nhiều khi bạn sa đà chơi game quên ăn uống, học hành. Mẹ bố trí máy vi tính ở phòng khách để khi nào bạn sử dụng, ba mẹ có thể quản lý được. Ngoài ra, việc ở chung phòng, ba mẹ còn nhắc bạn ngủ nghỉ đúng giờ, tránh thức khuya.

Nếu kết quả thi lớp 9 của bạn tốt và bạn kiểm soát được thời gian chơi game, ngủ nghỉ đúng giờ thì lúc đó, ba mẹ sẵn sàng cho bạn ở phòng riêng.

Mình quen ở chung phòng với ba mẹ từ nhỏ đến lớn rồi, kiểu quen hơi ấy! Tối nào mình cũng phải nằm trên tay mẹ, được mẹ ôm mới ngủ ngon.
K.Q (lớp 7, Thủ Đức)
Ba mẹ kêu mình ở phòng riêng hoài mà mình chưa chịu. Biết sao không? Ngủ riêng một mình “sợ ma” lắm!
N.H (lớp 7, Phú Nhuận)

Cô V (Thủ Đức) cho biết, sau một ngày làm việc căng thẳng, buổi tối, cô thích được nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian yên tĩnh. Có khi mệt quá, cô về phòng ngủ sớm thì con trai cứ chạy ra chạy vô hỏi đủ điều. Lúc khác, cô đang thiêm thiếp, con trai mở ti vi xem, đùa giỡn ồn ào khiến cô tỉnh giấc. Ở chung phòng, các con cần tôn trọng sự riêng tư của ba mẹ.

Chuyện của tuổi teen: Có nên có phòng riêng?- Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

Theo cô, các con cũng lớn rồi. Nếu gia đình có điều kiện cho phòng riêng, các con nên tách ra. Không chỉ các con cần không gian riêng mà ba mẹ cũng thế! Chốn chung, chốn riêng hài hòa, hợp lý sẽ khiến mọi người trong gia đình thoải mái hơn.

Cô đơn ở phòng riêng

Cách đây mấy tháng, M.Anh (lớp 8, TP.Thủ Đức) bất ngờ được ba mẹ dành cho hẳn một phòng riêng. Lúc đó, Anh thấy khoái khoái. Đi đâu cũng khoe mình có phòng riêng.

Tuy nhiên, được vài ngày, bạn cảm thấy hết háo hức. Lý do là quen ở chung phòng với ba mẹ. Tối tối trước khi ngủ, cả nhà rộn rã chuyện trò thật vui. Ở phòng riêng, bạn nhìn quanh quất có một mình, cô đơn sao ấy.

So với những bạn đang ở phòng trọ chật hẹp với gia đình thì chuyện các bạn được ở phòng riêng là một mơ ước. Hãy trân trọng điều đó! Có thể ba mẹ muốn cho bạn có hẳn phòng riêng nhưng điều kiện, hoàn cảnh gia đình chưa cho phép. Hoặc có khi, ba mẹ muốn anh chị em bạn hiểu, gắn kết và yêu thương nhau nhiều hơn khi ở chung một phòng.

Ngoài ra, nếu ba mẹ muốn tách bạn ở riêng cũng hợp lý thôi. Bởi lẽ bạn đã học cấp 2, bạn cần học cách tự lập và trưởng thành. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần có không gian riêng tư. 

Mỗi người một không gian, khi muốn hội họp, chuyện trò, cả nhà cùng ăn cơm chung, xem phim… ở phòng khách, phòng vui chơi mà. Học cách thích nghi và thông cảm sẽ khiến cuộc sống của bạn ý nghĩa, thoải mái hơn nè!

Tuyệt chiêu chung và riêng

Bàn về chốn riêng-chốn chung trong gia đình, Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy có vài điều lưu ý với các bạn!

Bạn đang tuổi teen nên nhu cầu có được không gian riêng tư là điều bình thường. Không gian riêng tư sẽ khiến bạn cảm thấy an toàn, trưởng thành và phần nào xây dựng được tính độc lập ở bạn.

* Nếu gia đình chưa có điều kiện cho bạn ở phòng riêng và mọi người vẫn ở chung một phòng, bạn hãy thông cảm và chia sẻ với ba mẹ về việc này. Bởi lẽ, ba mẹ nào cũng mong muốn mang đến cho con cái những điều tốt nhất. Khi chưa làm được, bản thân ba mẹ cũng day dứt, buồn phiền.

* Tuy nhiên, bạn có thể gợi mở gia đình sắp xếp chốn riêng nho nhỏ cho mình trong không gian chung. Đó có thể là góc nhỏ trong phòng, một cái bàn, cái tủ… dành riêng cho bạn. Để không ảnh hưởng đến các thành viên khác, góc riêng của bạn cần được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và mọi thứ nên an toàn với em nhỏ, người già trong nhà.

* Dù góc riêng nhưng đang sống trong không gian chung, bạn cần tôn trọng nề nếp, lối sinh hoạt và quy định của gia đình. Chẳng hạn làm phụ việc nhà, tuân thủ thời gian ngủ-nghỉ…

Xin chúc mừng vì bạn đã có không gian riêng tư cho mình. Hãy biết ơn ba mẹ vì điều này và tận hưởng cảm giác được ở riêng. Bạn chú ý:

- Không nên ngắt kết nối, tương tác với cả nhà bằng cách thường xuyên khóa trái cửa, một mình trong phòng tùy tiện lướt web, nghiên cứu các trang mạng chưa phù hợp lứa tuổi, chơi game…

- Dù bận bao nhiêu cũng dành thời gian ăn cơm cùng cả nhà. Nhờ bữa cơm gia đình mà các thành viên có dịp chuyện trò, kết nối tình cảm và hiểu nhau hơn. Một tuần học hành bận rộn, về nhà thì ít nhất, bạn cũng dành hai ngày cuối tuần dùng bữa với ba mẹ.

Bài viết có sự tư vấn của Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý PHẠM THỊ THÚY

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: