“Chiến lược” đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

avatar THÁI THANH

Thứ ba, 04/07/2023 19:01 (GMT+7)

Đăng ký nguyện vọng là một trong những bước quyết định trực tiếp đến kết quả đậu đại học của các thí sinh. Vậy "chiến lược" đăng ký nguyện vọng thế nào để gia tăng khả năng trúng tuyển?

Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, các bạn học sinh 12 sẽ tiến hành đăng ký, điều chỉnh các nguyện vọng. Ngày 10-7 được ấn định là ngày đăng ký nguyện vọng chính thức.

Đăng ký nguyện vọng dựa vào khả năng

Một trong những điều quan trọng khi đăng ký nguyện vọng đại học đó là cần xác định rõ khả năng.

"Lúc ban đầu, mình chỉ đăng ký hai nguyện vọng mà điểm chuẩn của các năm trước phù hợp với học lực của mình ở thời điểm đó. Nhưng sau khi thi xong, dò theo đáp án của bộ và tìm hiểu rõ hơn về quy định xét tuyển, mình đã thay đổi. Nhận thấy với số điểm có khả năng đậu vào ngành có điểm chuẩn cao hơn là Báo chí, mình đã tự tin đặt nguyện vọng này lên đầu", bạn Mộng Tuyền (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ.

Ngoài việc tham khảo điểm chuẩn trong ba năm gần nhất, các teen 12 vẫn nên xác định rõ phổ điểm cũng như khả năng đậu của bản thân so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, cũng không nên quá chủ quan hoặc bi quan khi chưa có kết quả chính thức từ các trường đại học.

Bật mí chiến lược đăng ký nguyện vọng 2023  - Ảnh 2.

Bạn Mộng Tuyền (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM). Ảnh: NVCC

"Lúc đăng ký nguyện vọng 1 vào trường ĐH Ngoại thương, mình không nghĩ sẽ đủ khả năng để đậu. Nhưng đó là ước mơ, là động lực của mình nên mình luôn tin bản thân sẽ làm được. Dù trúng tuyển vào trường đại học khác bằng phương thức xét tuyển học bạ nhưng mình quyết không nhập học và theo đuổi nguyện vọng 1 đến cùng. Với mình, việc xác định khả năng và cả ước mơ của bản thân nữa là vô cùng cần thiết kể cả trước hay sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT", bạn Thanh Trúc (sinh viên Trường ĐH Ngoại thương) tâm sự.

Bật mí chiến lược đăng ký nguyện vọng 2023  - Ảnh 1.

Bạn Thanh Trúc (sinh viên trường ĐH Ngoại thương). Ảnh: NVCC

Ưu tiên thứ tự nguyện vọng đăng ký

Vì số lượng nguyện vọng đăng ký là không giới hạn nên các bạn thí sinh cần sắp xếp thứ tự các nguyện vọng một cách thông minh. Thí sinh nên ưu tiên ngành học phù hợp với năng lực, sở thích lên đầu. Song song với đó cần có thêm những nguyện vọng an toàn đặt phía sau.

Mộng Tuyền chia sẻ: "Khi đặt nguyện vọng, mình đã tự xây dựng chiến lược riêng cho bản thân. Mình đặt nguyện vọng 1 là ngành có mức điểm phù hợp và mình cũng yêu thích. Nguyện vọng 2, 3 là những ngành có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 0.5 đến 1.5 điểm so với điểm hiện có của mình. Vậy nên mình nghĩ rằng việc biết được năng lực của mình ở đâu là vô cùng cần thiết".

Thứ tự sắp xếp các nguyện vọng không chỉ dựa vào điểm, khả năng đậu mà còn phải dựa trên sở thích của bản thân. Vì việc chọn được ngành học chính xác sẽ giúp tăng thêm niềm vui, hứng thú cho quá trình học tập sau này.

Chia sẻ về cách sắp xếp thứ tự các nguyện vọng, bạn Thảo Nguyên (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) nói: "Mình đã thực hiện thống kê điểm số của ngành mình chọn từ năm 2017-2020 để tính toán tỉ lệ chênh lệch điểm giữa các năm. Sau đó, mình lấy mức chênh lệch cao nhất và thấp nhất để tính toán mức chênh lệch trung bình cho các nguyện vọng mà mình đã chọn. Bản thân mình cũng tự đưa ra những dự đoán để có cách sắp xếp nguyện vọng thích hợp".

"Chia trứng vào nhiều giỏ"

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, các bạn học sinh 12 nên "chia trứng vào nhiều giỏ". Nghĩa là thí sinh nên rải đều nguyện vọng vào nhiều phổ điểm khác nhau. Càng không nên giữ tâm lý chủ quan khi đặt tất cả các nguyện vọng vào các ngành có điểm chuẩn "trên trời". Vì tỉ lệ chọi ở những trường này thường sẽ rất gắt gao nên khả năng trượt đại học vẫn xảy ra dù bạn sở hữu điểm số như mơ.

Bật mí chiến lược đăng ký nguyện vọng 2023  - Ảnh 3.

Bạn Anh Thư (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM). Ảnh: NVCC

Là người từng trượt nguyện vọng 1 do tâm lý quá chủ quan, bạn Anh Thư (sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) kể lại: "Hồi đó, phần vì mình khá chủ quan nên đã quyết định đánh liều. Mình đã không có những vọng nguyện vọng an toàn nên lúc có kết quả xét tuyển mình thật sự rất hoang mang. Nhưng cũng khá may mắn khi ngành học hiện tại mang lại cho mình nhiều cơ hội và trải nghiệm mới. Nếu được quay lại thời điểm đó, mình sẽ đăng ký nguyện vọng phù hợp hơn, như cách thầy chủ nhiệm mình nói là nên "chia trứng vào nhiều giỏ".

Để đảm bảo, thí sinh nên cho mình thêm những lựa chọn khác. Có thể đó là ngành học yêu thích nhưng không phải trường top đầu để gia tăng cơ hội trúng tuyển.

Các bạn học sinh 12 không nên chọn nguyện vọng dựa theo cảm tính hay chạy theo số đông mà cần tự đánh giá năng lực của mình, sắp xếp phù hợp để con đường vào đại học rộng mở hơn.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: