Chật vật với bài tập về nhà, teen xoay xở học cách quản lý thời gian

avatar THƯ LÊ, NGUYỄN NHI

Thứ sáu, 20/10/2023 09:27 (GMT+7)

Bài tập về nhà hiện nay đã đa dạng hình thức hơn trước như làm việc nhóm, làm thuyết trình, thí nghiệm, báo cáo... từ đó đòi hỏi học sinh cần có nhiều thời gian để tìm hiểu và thực hành. Nhiều bạn cảm thấy “ngộp” trước nhịp học này.

Teen “bơi” trong bài tập về nhà

Sau khi lên cấp ba, bạn Nguyễn Thị Phương Thảo (lớp 10A7, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp) cảm thấy khó khăn với khối lượng bài về nhà nhiều hơn trước. “Ngoài học trên lớp, mình còn phải tự học ở nhà. Ngoài ra, có môn mình phải soạn bài và thuyết trình làm sao để đạt điểm cao nhất. Và cứ mỗi môn như thế sẽ là một vòng lặp khiến mình cảm thấy mất động lực, bị hụt hẫng khi cảm giác học cấp ba không giống như bản thân đã từng nghĩ” - Thảo chia sẻ.

Dẹp nỗi lo bài tập về nhà - Ảnh 1.

Bạn Như Ý tranh thủ giờ ra chơi để làm bài tập - Ảnh: THƯ LÊ

Hiện nay một ngày của các teen tụi mình khá bận rộn. Ngoài các tiết ở trường, nhiều bạn còn tham gia các lớp học thêm, hoạt động ngoại khóa, phong trào.

Bạn Nguyễn Phương Linh (lớp 11A12, Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp) dù đã trải qua một năm với chương trình mới nhưng bạn vẫn gặp những khó khăn nhất định trong việc sắp xếp thời gian xử lý bài tập về nhà.

“Ngày nào lớp cũng kiểm tra và khảo bài, rồi có những deadline thuyết trình, quay video thuyết minh, thí nghiệm, báo cáo... riết mệt xỉu luôn. Có những ngày mình phải “cắm rễ” nhà bạn để làm bài tập nhóm”, Linh chia sẻ.

Trước “sự đổ bộ” của bài tập về nhà, các bạn có những cách “đối phó” khác nhau. Bạn Phạm Ngọc Như Ý (lớp 11A13, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp) cho biết: “Vì mình đăng ký học thêm rất nhiều môn nên đôi lúc tới chín giờ tối mới về được nhà. Có hôm mình đã kiệt sức nên không thể hoàn thành hết bài tập trong tối hôm đó. Khi ấy thì mình như chạy show luôn, phải canh giờ ra chơi, trước tiết năm phút hay dậy thật sớm để làm bài tập".

Bí quyết xoay chuyển bài tập về nhà

Để có được thành tích học tập xuất sắc trên lớp, bạn Lê Hoàng Khánh Vy (lớp 11A13, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp) có những bí kíp riêng. Cụ thể, Vy luôn sắp xếp thời gian cố định và phân rõ thời điểm làm bài tập lúc rảnh. Điều đó giúp Vy không rơi vào tình trạng “thời gian rảnh thì không biết làm gì và những lúc vội thì không biết phải bắt đầu từ đâu”.

Dẹp nỗi lo bài tập về nhà - Ảnh 2.

Bạn Lê Hoàng Khánh Vy làm bài tập trong giờ nghỉ trưa - Ảnh: THƯ LÊ

Còn bạn Hà Kim Ngọc Trân (lớp 11A13, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp), trước đây từng cảm thấy bối rối với khối lượng bài tập. Nhưng sau một năm, Ngọc Trân đã tìm được cách giải quyết bài tập về nhà hiệu quả. Cụ thể, khi các thầy cô giao bài tập, Trân luôn ghi chú lại vào một quyển sổ riêng để tránh quên.

Những ngày trong tuần phải học thêm thì tối cuối tuần cô bạn có thể đến quán cà phê giải quyết một lần hết các bài tập cho tuần sau. Còn với những bài được giao trong tuần, Trân sẽ ngồi làm trước những hôm đi học thêm. Trân luôn tận dụng tối đa thời gian trống để giải quyết luôn bài tập hôm đó.

Dẹp nỗi lo bài tập về nhà - Ảnh 3.

Ngọc Trân ra quán cà phê học bài - Ảnh: THƯ LÊ, NGUYỄN NHI

Bạn Lê Kim Huy (lớp 10, Trường THPT Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) cho biết, bạn đã lập ra một bảng biểu để cân bằng lịch trình. Ngoài ra, bạn chia sẻ: “Trước đây mình luôn từ chối những hoạt động văn nghệ và ngoại khóa trên lớp vì bận học bài. Tuy nhiên, mình nhận thấy việc không tham gia nhiều hoạt động khiến mình có khoảng cách với các bạn bè trong lớp”.

Vì vậy, dù hiện nay Huy không tham gia được nhiều hoạt động nhưng cậu bạn vẫn sắp xếp thời gian tham gia cùng lớp. Vừa để kết nối với bạn bè, vừa để giải trí sau khi giải những đề toán khó nhằn.

Dẹp nỗi lo bài tập về nhà - Ảnh 4.

Bạn Ông Văn Đức đang làm bài tập về nhà - Ảnh: THƯ LÊ, NGUYỄN NHI

Để đảm bảo sức khỏe và thời gian chuẩn bị bài, bạn Ông Văn Đức (lớp 10, Trường THPT Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) sắp xếp thời gian học thêm kết thúc vào bảy giờ tối. Cậu bạn cũng hẹn bạn bè để học nhóm, vừa thay đổi không khí học tập vừa có thể hỏi những kiến thức còn chưa nắm được trên lớp. “Những lúc học một mình thì có thể đặt quay chế độ time-lapse bằng điện thoại. Cách này giúp mình tập trung cao độ để học, mà sau đó còn có một chiếc video học hành chăm chỉ để chia sẻ lên trang cá nhân”, Đức bộc bạch.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: