Chàng trai kể chuyện bằng tranh vẽ

Thứ bảy, 08/08/2020 19:40 (GMT+7)

“Thống không vẽ tranh miêu tả mà vẽ tranh để kể chuyện”, đó là cách để cậu bạn Huỳnh Minh Thống (sinh viên ĐH Kiến Trúc TP.HCM) thực hiện dự án đầy ý nghĩa Sợi Mắc Sợi Mành.

* Chào Minh Thống, đầu tiên bạn hãy chia sẻ sơ nét về dự án Sợi Mắc Sợ Mành?

- Sợi Mắc Sợi Mành là dự án lớn nhất của Thống cho đến nay, và nó cũng đánh dấu sự trưởng thành của mình. Sợi Mắc Sợi Mành bao gồm 12 bức digital painting về chủ đề các di sản văn hóa kiến trúc của Việt Nam. Sau khi hoàn thành bộ tranh, Thống và bạn bè trong team đã tổ chức triển lãm các tác phẩm từ 27/6 - 5/7/2020. Hình thức là triển lãm sắp đặt, điều đặc biệt là không gian triển lãm được chia đôi bằng tấm vải để mọi người có thể xem tranh một cách tập trung nhất.

* Vì sao dự án của Thống lại có tên là Sợi Mắc Sợi Mành?

- Sợi Mắc Sợi Mành là 2 loại sợi trong khung dệt vải của người Việt, sợi mắc là sợi dọc còn sợi mành là sợi ngang. Thống muốn dùng 2 chất liệu đó để ẩn dụ cho di sản và tự nhiên. Khi 2 sợi đẹp nhất trong khung dệt giao nhau, Thống sẽ vẽ lại khoảnh khắc đó để làm tranh. Bầu trời trong tranh cũng được vẽ nên từ những đặc trưng văn hóa của công trình đó. Tranh được vẽ bằng những sợi mảnh để tạo nên chủ đề thống nhất và có câu chuyện rõ ràng.

* Trong mỗi bức tranh Thống đều đặt các tên khá lạ như: Duyên, Sao, Son, NAMAZU… Điều này có ý nghĩa gì?

- Mỗi bức tranh có một câu chuyện về sự hình thành đặc trưng văn hóa. Như câu chuyện về Chùa Cầu - Hội An trong bức tranh NAMAZU, Namazu là con quái vật trong truyền thuyết chung của người Việt - Nhật - Hoa. Con quái vật này có đầu ở Nhật, đuôi ở Ấn Độ và mình vắt ngang Hội An. Chùa Cầu như một thanh kiếm trấn trên lưng quái vật để nó không tác quái gây động đất. Còn bức Duyên là tòa tháp Phước Duyên tại chùa Thiên Mụ, hoặc bức Son vẽ thành Cổ Loa dưới góc độ ước lệ, gắn liền với câu chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu... Thống không vẽ tranh miêu tả mà đang vẽ tranh kể chuyện. Thống nghĩ ít ai đủ kiên nhẫn để cầm một quyển sách dày đọc về văn hóa hay lịch sử nếu họ không có đam mê.

* Đâu là những bức tranh khiến Thống nhớ nhất trong quá trình thực hiện?

- Đó là bức tranh Gốm Trời về văn hóa người Chăm, Thống vẽ lâu nhất, hơn 4 tuần. Nó không nằm ở công đoạn vẽ, mà là công đoạn suy nghĩ và tổng hợp dữ kiện để chuyển tải thành hình ảnh ẩn dụ, cuối cùng Thống đã vẽ mọi thứ trong bức tranh đều hóa gốm, được nung bởi mặt trời, làm gốm cũng là nét đặc trưng trong văn hóa người Chăm. Hoàng là bức tranh Thống thích nhất, bởi vì nó mang cảm giác một Việt Nam rất huy hoàng nhưng gần gũi, không quá lòe loẹt nhưng vững chãi. Bức tranh lột tả cảnh Cổng Ngọ Môn phía trên là hai tầng mây, một tầng mây là vảy rồng, một tầng là vân hổ, đúng như thế đất rồng chầu hổ phục của kinh thành Huế.

* Xem qua bộ tranh, có thể nhận thấy Thống chưa thể hiện tranh nói về công trình kiến trúc, di tích đại diện cho miền Nam. Vì sao?

- Dự án Sợi Mắc Sợi Mành bắt đầu với 12 công trình này trước, và có thể sẽ là những công trình còn lại của Việt Nam sau. Thống chọn 12 công trình này vì một phần là cảm nhận cá nhân về nét văn hóa Việt được thể hiện rất rõ. Mặt khác, 12 công trình ấy mang theo những câu chuyện thật sự rất li kì và thu hút Thống. Trong thời gian tới, Thống sẽ cố gắng hết sức để đưa toàn bộ những công trình còn lại vào dự án. Ngoài ra dự định lớn nhất tiếp theo của Thống là đi du học, để xem nước bạn phát triển văn hóa của họ như thế nào.

* Cảm ơn Thống!

Sợi Mắc Sợi Mành

Dự án Sợi Mắc Sợi Mành bao gồm 12 bức tranh: Hoàng, Rồng Chầu Rắn Cuốn, Namazu, Gốm Trời, Như Nguyệt, Duyên, Son, Ngọc, Cao Sơn Cảnh Hành, Yàng, Quy, Sao. Tất cả được Thống thực hiện trong 6 tháng.

DUY LÊ Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: