Cậu bạn dành bảy tiếng mỗi ngày để múa bóng rỗi

avatar DUY LÊ

Thứ tư, 28/06/2023 16:29 (GMT+7)

Để có thể múa bóng rỗi điêu luyện, Nguyễn Trọng Hùng (lớp 12, trường THPT Tân Thạnh, tỉnh Long An) đã phải tập luyện trong suốt bảy năm qua.

Cậu bạn dành bảy tiếng mỗi ngày để múa bóng rỗi - Ảnh 1.

Trọng Hùng

Tập múa bóng rỗi bảy tiếng một ngày

Từ những năm lớp 7, Trọng Hùng đã đam mê nghệ thuật múa bóng rỗi. Năm 2016, bạn tình cờ xem được clip múa bóng rỗi trên ti vi của Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Đào. Sau khi xem xong, Trọng Hùng đi thẳng ra sau nhà, lấy chiếc mâm đặt lên trán và tập làm thử. Với động tác này Hùng làm suốt một tuần nhưng chỉ giữ thăng bằng được khoảng năm giây.

"Sau một tuần, mình tập tiếp các động tác mới như tung mâm, quăng mâm trong suốt một tháng nhưng vẫn thất bại. Phải một năm sau, mình mới thuần thục hơn và nâng độ khó với các động tác như đặt mâm lên ống nhựa, đặt ghế, lồng chim lên trán giữ thăng bằng…", Trọng Hùng chia sẻ.

Cậu bạn dành bảy tiếng mỗi ngày để múa bóng rỗi - Ảnh 2.

Trọng Hùng trong những lần biểu diễn múa bóng rỗi tại trường. Ảnh: NVCC

Vì các thông tin, clip về múa bóng rỗi không quá phổ biến vào thời điểm năm 2016 nên Trọng Hùng hoàn toàn tự tập luyện. Để không "làm phiền" ba mẹ, Trọng Hùng thường mang "đồ nghề" như mâm, chén đũa, ghế... vào phòng tự tập.

Hùng cho biết thời điểm đó trên YouTube chỉ có đúng ba clip về múa bóng rỗi do các nghệ nhân ưu tú biểu diễn. Bạn đã xem đi xem lại rất nhiều lần. Cậu bạn dành ít nhất 7 tiếng mỗi ngày để tập luyện.

Vì phải dùng trán, răng, môi... để giữ thăng bằng các vật dụng nên chuyện Trọng Hùng bị đạo cụ rơi vào mặt là điều thường xuyên.

Múa bóng rỗi là gì?

Trọng Hùng tập luyện trước khi lên biểu diễn. Ảnh: NVCC

Múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ. Năm 2016, múa bóng rỗi được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể.

Bóng là giao thoa giữa vật chất và tâm linh, "bà bóng, cô bóng" ý nói về người nghệ nhân. Rỗi là cứu rỗi khi kết hợp với "bóng" sẽ có nghĩa là người đang làm công việc cầu an cầu phúc, hướng mọi điều tốt đẹp.

Cậu bạn dành bảy tiếng mỗi ngày để múa bóng rỗi - Ảnh 5.

Trọng Hùng luyện tập với bông huệ. Ảnh: NVCC

Thành quả sau bảy năm

Sau bảy năm "khổ luyện", đầu năm 2023 Trọng Hùng đã có dịp biểu diễn trước nhiều người. Đó là dịp hội trại xuân của trường, cậu bạn đã dùng hết can đảm đăng kí thi tiết mục tài năng múa bóng rỗi với cô Bí thư Đoàn.

Hai ngày trước khi diễn ra chương trình, tiết mục của Hùng mới được cô đồng ý cho biểu diễn. Do thời gian quá gấp rút nên bạn chỉ kịp chuẩn bị đạo cụ như áo dài, dán mâm. Ngay cả bộ tóc giả cũng phải mượn một người bạn trước giờ lên sân khấu diễn.

Khi lên sân khấu, bạn diễn theo tự nhiên, không có kịch bản, tập luyện từ trước. Trọng Hùng cho biết: "Mình run đến nỗi trong 10 phút trình diễn mà không nhớ được gì. Sau khi bước ra sau sân khấu, tiếng reo hò, vỗ tay của các bạn học sinh và thầy cô vẫn kéo dài không ngớt. Ngay cả cô Bí thư Đoàn trường vốn khó tính nhưng cô rất vui và tự hào về mình".

Ngày hôm sau, Trọng Hùng có bốn tiết học, nhưng đã có ba tiết thầy cô bộ môn dành lời khen ngợi cho tiết mục của bạn.

Trọng Hùng tiếp tục được thầy cô "đặt hàng" trình diễn trong các sự kiện của trường. Bạn còn được giới thiệu "chạy show" tại các chương trình của Trung tâm Văn hóa huyện.

Thời gian đầu khi thấy con trai theo đuổi múa bóng rỗi, mẹ Trọng Hùng cũng nhiều lần ngăn cản. Tuy nhiên vì thấy con quá đam mê, mẹ bắt đầu quan tâm hỏi han. Mỗi lần đi múa, mẹ nhắc nhở áo dài, đạo cụ đã chuẩn bị đầy đủ chưa.

Hiện tại mỗi ngày Trọng Hùng đều dành từ một đến hai tiếng để tập luyện. Trọng Hùng được Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Đào nhận làm học trò.

Sắp tới Hùng sẽ thi đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, song song đó bạn vẫn tiếp tục tập luyện theo đuổi nghệ thuật múa bóng rỗi. Mong muốn của Trọng Hùng là được lan tỏa múa bóng rỗi đến nhiều người theo đúng màu sắc văn hóa dân tộc mà không bị biến tướng.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: