4 cách sử dụng mạng xã hội tích cực hơn

Thứ năm, 12/08/2021 15:37 (GMT+7)

Các trang mạng xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong duy trì kết nối và giải trí của mọi người trong khoảng thời gian buộc phải giãn cách. Thế nhưng, việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều sẽ gây nên những tác động bất lợi đến sức khỏe tinh thần của chúng ta đấy!

Mọi người dường như đã quen với việc ở nhà và sử dụng mạng xã hội kết nối để với bạn bè, gia đình và “giết thời gian” trong những lúc buồn chán. Bên cạnh những giá trị giải trí, những thông tin ở “thế giới ảo” đôi khi sẽ “lèo lái” suy nghĩ của chúng ta cuốn theo những thông tin trái chiều, những góc nhìn tiêu cực. Chính vì vậy, để giữ được suy nghĩ sáng suốt, bảo vệ bản thân khỏi những tiêu cực không đáng có bạn hãy tham khảo 4 bí quyết sau đây!

Digital detox – liệu pháp “cai nghiện” mạng xã hội

Ánh sáng từ màn hình, thông báo liên tục “ting ting” của các ứng dụng mạng xã hội,... khiến chúng ta dần “lạc trôi” vào xòng xoáy của chiếc điện thoại nó chung và mạng xã hội nói riêng lúc nào không biết. Chính vì thế, đôi lúc bạn cần dành thời gian thực hiện digital detox.

Digital detox đơn giản là tắt thông báo từ các ứng dụng trên điện thoại, cài đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội,... để thanh lọc, loại bỏ thói quen nghiện điện thoại khiến chúng ta mất tập trung và thiếu thời gian dành cho những việc thật sự quan trọng.

Một khi đã bắt đầu hành trình Digital detox nghĩa là bạn đã nhấn nút F5 cho cuộc sống của mình. Để không cảm thấy trống trải, vô vị, bạn có thể thử đưa một vài hoạt động mới lạ vào thói quen hằng ngày của bạn như vận động thể chất, đọc sách, tìm kiếm những sở thích mới..

Chọn lọc nguồn thông tin để tiếp thu

Mạng xã hội là nơi kết nối con người với con người giúp chúng ta tiếp xúc giao thoa với nhiều luồng văn hóa các dân tộc trên thế giới, khai thác nguồn tri thức, tạo ra việc làm, thỏa thích niềm đam mê sáng tạo của giới trẻ… Thế nhưng vì bản chất “không biên giới” của Internet và mạng xã hội, bên cạnh các thông tin bổ ích, mang tính giáo dục thì còn vô số những thông tin, hình ảnh không chính thống, không được xác thực và tiêu cực rất dễ tấn công đến tâm lý của người tiếp nhận thông tin.

Chính vì thế, để chống lại và “tự miễn nhiễm” với “fake news” – tin tức giả, mỗi chúng ta nên tự rèn luyện kỹ năng chọn lọc, đối chiếu nguồn tin, tham khảo trên báo chính thống để dễ dàng tránh được những thông tin không đáng tin cậy. Hãy mạnh dạn “unfollow” những kênh lan truyền tin giả, hủy kết bạn với những người tạo lập nick ảo để tuyên truyền văn hóa đồi trụy, bán hàng câu like,... để bảo vệ bảng tin của mình khỏi những luồng thông tin mà bạn không muốn quan tâm đến.

Ngưng bình luận tiêu cực - Thả tim nhiều hơn.

Mạng xã hội là không gian để tương tác và cũng là nơi để mọi người thể hiện cá tính, quan điểm cá nhân một cách dễ dàng. Chính vì vậy, mọi người thường thể hiện chính kiến và cho thấy sự hiện diện của bản thân trên mạng xã hội thông qua những bình luận. Tuy nhiên trong một thế giới “mở”, mọi người dễ dàng “góp một tay” để lại một bình luận vào những phong trào “ném đá” trên mạng xã hội. Thế nhưng bạn nên nhớ một điều răng: Mạng xã hội là “ảo” nhưng những tác động của đó là “thật. Dù vô tình hay cố ý, những bình luận tiêu cực và mang tính chất công kích tâm lý cá nhân sẽ tác động trực tiếp đến người tiếp nhận và để lại cho họ những tổn thương tâm lý dù lớn, dù nhỏ.

Chính vì thế thế, đừng hùa theo đám đông với những bình luận tiêu cực. Hãy “thả tim” nhiều hơn, dùng lời bình luận như một câu khích lệ, một câu góp ý chân thành, một lời sẻ chia thì xã hội mới đong đầy tình người, tính nhân văn và đồng thời trao đi những năng lượng tích cực trong cuộc sống.

Kết nối với những hội nhóm phù hợp

Để bản thân không cảm thấy phí phạm thời gian cho việc sử dụng mạng xã hội để sống ảo, chém gió với bạn bè, xem các video giải trí, chơi trò chơi… quá nhiều, bạn nên kết nối với những mạng lưới thông tin tri thức, kỹ năng mà bạn yêu thích và muốn học hỏi. Không quan trọng bạn yêu thích lĩnh vực gì, chỉ cần bạn theo dõi vài trang có ích cho cuộc sống của bạn và bạn cảm thấy vui vì điều đó.

Chẳng hạn, nếu bạn yêu thích chụp ảnh, bạn hãy tham gia những group liên quan đến chụp ảnh, khi tìm thấy một cộng đồng có cùng đam mê và sở thích bạn sẽ học tập được nhiều hơn từ kinh nghiệm, kỹ năng,... thậm chí tìm thấy cơ hội việc làm từ chính đam mê đó của mình.

ÁNH DƯƠNG

Nguồn ảnh: Pixabay

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: