3 bước chinh phục môn Địa lý

Thứ năm, 20/06/2019 16:25 (GMT+7)

Nắm vững cấu trúc đề thi, biết cách khai thác Atlat và tránh những lỗi sai thường gặp là những điều có thể giúp bạn chinh phục môn địa lí trong bài thi Khoa học xã hội.

Cấu trúc đề thi THPT Quốc gia môn Địa lí

HIỂU RÕ CẤU TRÚC ĐỀ THI

Chắc nhiều bạn đang thắc mắc cấu trúc đề thi môn Địa lí năm nay có sự thay đổi như thế nào so với năm 2018. Nếu xem qua đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta sẽ thấy đề thi năm nay dễ hơn so với năm 2018. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép lơ là nhé! Nhìn chung, đề thi năm 2019 tập trung chủ yếu vào phần địa lí các vùng kinh tế và địa lí các ngành kinh tế, chiếm khoảng 16/40 câu hỏi với hai mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao. Tiếp theo là phần địa lí quốc gia và khu vực, địa lí tự nhiên và địa lí dân cư. Đáng chú ý là chương trình lớp 11 trong đề thi tham khảo năm 2019 chỉ có 4 câu: 2 câu lí thuyết và 2 câu kĩ năng, ít hơn so với năm 2018.
Cuối cùng là phần kĩ năng địa lí với khoảng 15 câu. Nếu hoàn thành tốt, các bạn sẽ có 3,75 điểm, một số điểm khá lớn đối với những bạn chưa nắm chắc về lí thuyết. Đây là phần dễ lấy điểm nếu các bạn biết cách sử dụng Atlat.

TRÁNH LẶP LẠI NHỮNG LỖI SAI THƯỜNG GẶP

Thông thường các bạn hay đọc lướt qua mà quên các từ khóa chính của các câu hỏi. Những từ khóa này sẽ giúp chúng ta tìm ra câu trả lời nhanh nhất. Ví dụ địa lí các ngành kinh tế thì chú ý những từ khóa như ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải hoặc các vùng kinh tế như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long…

SỬ DỤNG ATLAT HIỆU QUẢ

Rất nhiều bạn không biết rằng Atlat được sử dụng trong phòng thi, vì vậy có một số bạn quên mang theo. Chúng ta hãy nhớ sử dụng Atlat một cách triệt để nhé! Đầu tiên, hãy nắm chắc các kí hiệu ở trang số 3 của Atlat. Tiếp theo là xem mục lục. Cần dựa vào các từ khóa trong câu hỏi để tra cứu nhanh Atlat. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các dạng biểu đồ trong Atlat khi gặp phải những câu hỏi về biểu đồ.

ThS Vũ Thị Bắc (Giáo viên trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Theo ThS Lê Thị Lợi, giáo viên trường THPT Nhân Việt (TP.HCM), lỗi sai phổ biến của các thí sinh khi làm bài môn Địa lí là phân tích số liệu không chính xác, từ đó dễ nhầm lẫn khi nhận xét. Chẳng hạn, đề cho số liệu tuyệt đối nhưng lại hỏi về cơ cấu, muốn nhận xét đúng thì phải tính tỉ trọng. Tuy nhiên, thí sinh lại nhìn vào số liệu đề cho rồi nhận xét luôn thì không đúng. Ngoài ra, thí sinh cũng hay nhầm lẫn các dạng biểu đồ. Muốn tránh những lỗi sai này, theo cô Lê Thị Lợi, thí sinh cần nắm vững các công thức địa lí, đồng thời rèn luyện cách nhận diện biểu đồ dựa vào những từ khóa liên quan.

Đồng hành cùng các sĩ tử trong mùa thi năm nay, Mực Tím Online (www.muctim.com.vn) sẽ thường xuyên cập nhật bài viết, video clip, thông tin mới nhất về kì thi THPT quốc gia. Mực Tím Online cũng sẽ giới thiệu những nhận định, lưu ý của thầy cô về đề thi, cách ôn tập và làm bài đạt điểm cao. Bên cạnh đó, với sự cộng tác của các giáo viên ở TP.HCM, Mực Tím Online sẽ đăng bài giải gợi ý các bài thi THPT Quốc gia 2019. Mời các bạn đón theo dõi!

TRÀ NGUYỄN thực hiện trang

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: